Nhìn xa cho tứ giác Long Xuyên

04/07/2006 10:07 GMT+7

Toàn vùng ĐBSCL chẳng nơi nào quỹ đất dồi dào bằng tứ giác Long Xuyên (TGLX) thuộc Kiên Giang. Có một thời - khi không ít người giàu muốn “bỏ phố lên rừng” làm kinh tế trang trại (KTTT) - đi đâu cũng nghe người ta hú “Dzô TGLX mần ăn coi bộ êm hơn lên miền Đông!”. 1.000 tỷ đồng là số vốn đầu tư mà TGLX “hút” được từ các doanh nghiệp và cá nhân, chỉ tính trong 5 năm gần đây.

Xa rồi “cánh đồng hoang”

Vùng TGLX thuộc Kiên Giang có diện tích tự nhiên 239.117ha. Việc giao - cho thuê đất theo mô hình KTTT, bố trí dân cư ở TGLX do Kiên Giang thực hiện trong 5 năm qua đã góp phần làm ra trên 3 triệu tấn lúa, đem lại việc làm cho hàng ngàn lao động.

Thực hiện NQ 09 của Chính phủ về chuyển dịch cơ cấu sản xuất đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích khai hoang TGLX của tỉnh, từ năm 2002 - 2004 đã có 53.133ha đất được giao - cho thuê. Năm 2005, Kiên Giang điều chỉnh 19.428ha đất trồng rừng sang trồng lúa và nuôi đại gia súc.

Đến tháng 5/2006, TGLX có 3 dự án trồng rừng phòng hộ quy mô 15.500ha; 2 dự án lâm trường, nông trường quy mô 10.455ha; 68 trang trại tư nhân thuê 8.255ha lập trang trại nuôi bò, cá, trồng lúa, mía, bạch đàn, làm nhà máy chế biến ván Okal; 18.420 hộ dân khác được giao cấp 43.126ha. Như vậy, 85,49% đất TGLX có “chủ”, theo quy hoạch sẽ là một vùng trồng lúa, mía, cây công nghiệp nuôi thủy sản, đại gia súc... quy mô lớn và vùng rừng phòng hộ, rừng sản xuất bạt ngàn.

Tỉnh Kiên Giang có nhiều nỗ lực để ổn định cuộc sống trước mắt và an sinh lâu dài cho các hộ nghèo trong sự phát triển toàn vùng TGLX. Đó là đầu tư các kênh thoát lũ kết hợp xây dựng các tuyến dân cư sống trên lũ, xây dựng cơ sở hạ tầng đi đôi với công tác khuyến nông, giao cây con giống và vật tư để dân sớm bắt tay vào sản xuất, xét cấp giấy CNQSDĐ để dân vay vốn làm ăn... Khó khăn nhất đối với cư dân trên vùng đất mới là nước sạch, y tế, tiêu thụ hàng nông sản. Riêng chuyện học hành, cái khó không phải là cơ sở vật chất mà là thiếu... thầy cô giáo.

Từ vùng đất mênh mông như “cánh đồng hoang”, khó tìm thấy bóng người, đất ngập phèn nặng, chỉ cây tràm đứng được thì nay, nơi đây đã có hàng ngàn cây số kinh mương thủy lợi nội đồng, đất bắt đầu sinh sôi. Sản lượng lúa năm 2005 đạt 750.758 tấn, sản lượng tôm sú đạt 5.665 tấn. Bên cạnh đó, nghề nuôi cá đồng, đại gia súc cũng phát triển mạnh.

Hoạt động của các DNTN, trang trại, nông, lâm trường đã tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động/ngày thường và 5.000 lao động/ngày vào vụ gieo trồng, thu hoạch. Một số DNTN, chủ trang trại tiên liệu, với đà sản xuất phát triển, TGLX sẽ khủng hoảng thiếu lao động tại chỗ và như vậy nhiều cơ hội việc làm sẽ đến với lao động ở các tỉnh giáp Kiên Giang.

Tầm nhìn rộng mở, táo bạo

Tuy nhiên vẫn còn đó những thách thức. 5.268ha đất đã bị bao chiếm trái phép bằng nhiều cách. Trong số 15% diện tích đất đã giao chưa đưa vào sản xuất có đất mới nhận đang xúc tiến đầu tư; có đất quy hoạch nuôi tôm nằm chờ hệ thống thủy lợi; có số diện tích từ khi được giao cấp, thuê mướn đến nay bị sang nhượng, cho thuê lại trái phép qua nhiều đời chủ mà vẫn không sản xuất và đất vàng cứ trơ ra cùng cỏ dại.

Ngay Công ty Nông Lâm sản có diện tích nông trường mía 1.630ha cũng tự tiện đem 1.330ha cho nhiều người, kể cả người ngoài tỉnh Kiên Giang thuê. Một số người khi nhận đất tính nuôi trồng loại cây, con nào đó nhưng rồi “xét nghĩ” cây, con đó không hợp nên để đối phó, họ trồng tràm lấy lệ. Tràm oặt ẹo như cọng cỏ, vào mùa khô hạn có thể phát cháy bất kỳ lúc nào, gây khốn đốn cho các chủ trang trại có rừng tràm xanh tốt kề bên.

Tình trạng mua bán, bao chiếm đất trái pháp luật vừa chiếm đất trái phép, vừa khiếu kiện đòi hợp thức hóa, đòi đền bù rồi tình trạng chặt phá rừng trồng, cướp tràm, cướp cá vẫn tồn tại nhiều năm, chậm xử lý và xử lý... như đùa! Những tên cướp cá, cướp tràm chuyên nghiệp ở TGLX không biết đến từ đâu, hoạt động ngang ngược bất chấp luật pháp, khi bị bắt thì nằm vạ kêu nghèo. Chúng có thể xóa sổ một cánh rừng, vét sạch một vuông cá, tôm nhưng khi bị bắt, tang vật nhiều lắm là... một cây cưa, một tấm lưới.

Nếu làm chúng “mích lòng sâu sắc” thì một ô rừng tràm tươi tốt có thể “tự nhiên cháy” mà đố tìm ra... một que diêm! Một môi trường đầu tư an toàn là vấn đề bức xúc của tất cả các doanh nghiệp, các chủ trang trại, nông hộ ở TGLX.

Hãy nhìn TGLX - lớn gấp bốn lần diện tích Singapore - vượt trên vị trí là vùng đất sản xuất lương thực - thực phẩm. Những giải pháp phát triển TGLX cần được đầu tư hàm lượng chất xám cao hơn từ quy hoạch đất sản xuất xây dựng khu dân cư, công trình phúc lợi công cộng,… Các cụm tuyến dân cư sống trên lũ chỉ là giải pháp tình thế. Kiểu nhà cất bằng vật liệu nhẹ chạy dài theo tuyến đê, bám theo những con kênh trục - không thể làm hạt nhân để “cụm tuyến” phát triển thành “làng”, hội tụ thành “những đô thị mới” đúng nghĩa.

Làm sao có đường ô tô; làm sao xây dựng nhà lồng chợ, trung tâm y tế, trường học, trung tâm thương mại, nhà văn hóa... và các công trình kiên cố khác trên nền những tuyến đê đất yếu, bề ngang bó hẹp chừng 10m kia? Cư dân TGLX phải được sống văn minh. Trách nhiệm quy hoạch với tầm nhìn rộng mở, táo bạo đặt lên chính những người Kiên Giang hôm nay.

Theo Nguyễn Thị Kỳ/báo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.