Tiếng đàn bầu, ca khúc đã đưa Trọng Tấn lên đỉnh cao, bao năm rồi khán giả vẫn yêu cầu Tấn hát lại. Nhiều show diễn ở các tỉnh, và ngay cả Hà Nội, người tổ chức thường đi kèm một yêu cầu: "Hát gì cũng phải có Tiếng đàn bầu đấy nhé!". Cứ ngỡ đó là một hạnh phúc lớn của người hát, nhưng với Tấn lại là chút suy tư: "Không lẽ, ca sĩ chỉ có một vài bài gọi là "tủ" thôi sao? Không nên và không được yên lòng với suy nghĩ đó. Đành rằng để khẳng định mình là cần phải có bài tủ, nhưng khẳng định được rồi thì phải khám phá mình, phải vận động để tiếp tục cống hiến. Tôi rất tâm đắc câu nói của thầy giáo tôi - NSND Trần Hiếu: bài hát tủ là bài tôi chưa hát. Nếu không tìm kiếm bài mới thì chắc chắn giải có cao đến mấy cũng chỉ giậm chân tại chỗ hoặc đi xuống mà thôi!”.
Có lẽ là vậy. Dọc theo con đường của các cuộc thi Tiếng hát truyền hình toàn quốc, hơn 10 năm rồi, cứ hai năm một lần, bao nhiêu giọng hát nhưng để hình thành một gương mặt âm nhạc như đãi cát tìm vàng. Có người còn bảo, thi tiếng hát truyền hình chọn được hạt giống đấy, nhưng gieo mãi mà chẳng nảy mầm. Với Trọng Tấn có lẽ là ngoại lệ. Dường như, giọng hát anh vẫn là số 1 trong những giọng nam trẻ hát theo phong cách cổ điển ở Hà Nội mà không hề xa lạ với công chúng. Anh tâm sự:
- Tôi được nghe nhiều, được hỏi nhiều về lý do tại sao đồng nghiệp của tôi sau những cuộc thi mãi mà không "ngoi" lên được. Tôi chỉ nói từ mình thôi, với tôi, giải thưởng chỉ là một danh xưng, còn sau đó mình đi như thế nào mới là quan trọng. Là ca sĩ, phải luôn biết tự vận động. Ngoài ra, học thuật của anh dù có cao đến đâu nhưng anh không biết đại chúng hóa thì công chúng cũng khó đón nhận. Điều này âm nhạc thế giới cũng đã chứng minh, tại sao lại có opera rock, pop opera...
* Nghe có vẻ anh ủng hộ nhạc bình dân và cách hát bình dân, điều này có khác với suy nghĩ bấy lâu nay của những người hát nhạc chính thống ở Hà Nội?
- Không. Tiêu chuẩn của tôi, hát gì thì hát nhưng học hành vẫn là quan trọng, và phải học một cách cẩn thận. Các ngôi sao quốc tế hát rất gần gũi với khán giả của từng nước, từng dân tộc nhưng họ đều đã trải qua những trường nhạc rất danh tiếng trên thế giới. Những quãng cao đặc biệt của Celine Dion chắc chắn là kỹ thuật chứ không thể là bản năng được. Chỉ tiếc là đào tạo nhạc nhẹ ở ta chưa phát triển, nên nhiều ca sĩ không học mà cứ tung hứng không phù hợp; nhiều ca sĩ học hát opera, muốn tồn tại và nổi tiếng nhanh cũng quay ngoắt sang hát nhạc thị trường.
"Là ca sĩ, phải luôn biết tự vận động. Dường như mọi ca sĩ sau khi đoạt giải đều có cơ hội xuất hiện ở các chương trình biểu diễn. Lúc này, vị giám khảo chính là khán giả. Phải liên tục tìm những bài mới phù hợp với giọng hát chứ không thể khư khư với những bài cũ dù anh đã đoạt giải cao ngất ngưởng. Điều cần thiết nhất lúc này là hát làm sao để gần gũi khán giả nhất mà mình vẫn là mình. Nhiều bạn giọng rất tốt, nhưng khi hát thiếu mất sự gần gũi ở chất giọng và cách thể hiện. Tại sao công chúng đến giờ vẫn mê giọng hát Thu Hiền, Thanh Hoa? Đó chính là sự gần gũi. Cái mộc mạc nhất, dân tộc nhất có thể đến với công chúng một cách dễ dàng". Ca sĩ Trọng Tấn
* Sau khi đoạt giải nhất Tiếng hát truyền hình (nay là giải Sao Mai), anh đã hoạt động nghệ thuật không mệt mỏi, ra đĩa liên tục, ấn tượng nhất là bộ đĩa Việt Nam Tổ quốc tôi với hàng loạt CD trình bày phần lớn các ca khúc trữ tình về quê hương mà trong đó có nhiều ca khúc các bậc tiền bối đã "trồng cột mốc". Có người cho rằng, Trọng Tấn gây được ấn tượng là bởi anh hát bằng hơi thở mới với những ca khúc "cũ"?
- Tôi thấy rằng không có gì gọi là hơi thở mới cả, hơi thở của ca khúc đẹp thế, lãng mạn thế thì mới vào đâu được nữa? Cái cần nhất, là anh phải hiểu tác phẩm, hiểu nhạc sĩ muốn nói gì. Chúng tôi sinh sau chiến tranh, đương nhiên không thể hiểu hết chiến tranh, nhưng nếu mình hiểu được nhạc sĩ nói gì trong ca khúc và hát bằng cảm xúc thực sự của mình thì mới là điều đáng quý. Có lẽ một điều mới nhất phải ghi nhận, đó là phối khí. Bản phối mới theo hướng rock hóa hay pop hóa có thể đem đến cho thính giả những cảm nhận riêng.
* Nhưng trên thực tế, vẫn có nhiều ca sĩ "làm mới" những ca khúc chính thống đấy chứ? Họ có thể hát như pop, rock và có vũ đoàn phụ họa hẳn hoi?
- Phải coi lại, làm mới hay là làm khác? Tôi có nghe một số người hát với cách "làm mới" như vậy, tiếc là ít ai thành công, thậm chí có một số người thành lố. Nếu ai đó chạy sang nhạc đỏ "một chút" để ra vẻ chính thống thì tôi không bàn đến.
* Việc anh hát nhạc Lê Minh Sơn nên gọi thế nào: Làm mới? Thử sức? Hay là một lý do nào khác?
- Làm mới thì không, vì theo tôi nghĩ, tôi cũng không có gì cũ cả. Còn thử sức cũng không phải, tôi hát thật chứ việc gì phải thử! Tôi đến với nhạc Lê Minh Sơn như một cái duyên, bắt đầu từ đêm nhạc Dương Thụ, tôi và Thanh Lam có hát chung, sau đó tôi gặp Lê Minh Sơn. Sơn nảy ra ý định để Lam và Tấn hát chung, thế là Sơn bắt tay vào làm ngay. Tôi hợp tác với Sơn từ sự yêu mến nhau và tôn trọng nghệ thuật chứ không phải là một ca sĩ do Sơn đẩy lên hay do Sơn làm mới. Bây giờ, tôi đang chờ đợi sự đón nhận của công chúng với đĩa Thanh Lam - Trọng Tấn. Rất có thể, cuối năm nay tôi và Thanh Lam lại tái ngộ trong một liveshow chung.
* Hỏi tế nhị một chút nhé, ở Hà Nội nhiều đồng nghiệp tỏ ra "không thích" Lê Minh Sơn. Khi kết hợp với Lê Minh Sơn, liệu anh có sợ sự "dị nghị" nào không?
- Tôi nghĩ đơn giản, nếu ai không thích tôi tôi sẽ phải suy nghĩ, còn với người khác tôi thực sự không quan tâm lắm. Mỗi người có một cá tính, không nên vì những ghét bỏ vặt vãnh mà đánh giá cả một con người. Chơi với Lê Minh Sơn, tôi thấy anh ấy là người đáng quý, làm việc nghiêm túc, và làm là ra làm, nói làm là làm ngay, tác phong rất công nghiệp, hết mình trong công việc. Tôi nghĩ rằng nên đánh giá anh ấy qua tác phẩm và những gì anh ấy làm được.
* Ngoài Lê Minh Sơn, thời gian gần đây anh có hướng đến các nhạc sĩ khác không?
- Đương nhiên là có. Hiện tại tôi đang thu một CD riêng gồm các ca khúc của nhạc sĩ Dương Thụ và sắp thực hiện một CD riêng nữa về ca khúc Trần Tiến. Với tôi, thời gian là rất quý báu. Cả hai ngày thứ ba và thứ năm dạy ở Nhạc viện Hà Nội, tôi vẫn thường xuyên đi diễn. Nếu không diễn, tôi luôn nghĩ ra một việc gì đó để làm, chẳng hạn việc liên hệ với các tác giả để thu bài hát, thu CD. Tôi không muốn thành kẻ lãng phí thời gian, nhất là khi mình còn trẻ.
* Được biết mới đây anh đã làm bố, anh có thể nói đôi chút về tổ ấm của anh?
- Vợ tôi làm ở văn phòng của một trường dạy nghề, con trai tôi được 1 tuổi rưỡi. Tôi có thể rất nghệ sĩ trong ca khúc và trên sân khấu, nhưng với gia đình tôi chỉ giữ một ít để đủ lãng mạn. Để giữ hạnh phúc, tôi nghĩ nên biết kìm cá tính một chút và hãy vì người khác.
*Xin cảm ơn anh!
H.N.V
Bình luận (0)