Cuốn sách dày 1024 trang, giới thiệu khá đầy đủ và chú thích công phu những bài báo của Cụ Phan Khôi (1887- 1959) viết trên các báo Thần Chung, Trung Lập, Phụ nữ Tân văn và Phổ thông năm 1930.
Cũng như tập trước, “Phan Khôi, tác phẩm đăng báo 1930” bao gồm hàng trăm bài báo với đủ các thể loại văn báo chí: thời sự trong nước và quốc tế, tuỳ bút, ghi chép, bình luận chính trị, văn hoá nghệ thuật, phiếm luận, ý kiến, nói chuyện nghề báo, giới thiệu và phê bình sách, tranh luận về các lãnh vực văn hoá, chính trị, biên khảo về các đề tài xã hội, lịch sử, văn hoá và cả triết học… Nói chung, hầu như với một hiểu biết đa dạng và sâu sắc của một nhà báo, Phan Khôi ( với nhiều bút danh khác nhau) không bỏ sót một đề tài nào trong cuộc sống, một vấn đề gì dù nhỏ nhất mà bạn đọc cần biết, cần được hướng dẫn thông tin.
Cuốn sách giá trị này được phát hành vào dịp ngày Báo chí Việt Nam 21.6 năm nay lại càng có ý nghĩ khi lần đầu tiên, nhà nghiên cứu Lại Nguyên n giới thiệu một cách có hệ thống về “ Phép làm văn” mà Phan Khôi đã viết nhiều kỳ trên Phụ nữ Tân Văn cách đây trên 70 năm ( cách dùng từ, cách đặt câu xác định - câu nghi vấn, cách đặt đề bài báo…).
Tưởng đã cũ, nhưng vẫn là chuyện thời sự đối với người Việt. Bởi từ lúc đó, Phan Khôi đã cảnh báo: “Trong ngôn ngữ văn tự vẫn có luật, vậy thì ai đã biết thứ ngôn ngữ văn tự nào rồi, lẽ cũng biết luôn luật nữa mới phải. Nhưng vì người ta đối với cái gì đã quen quá rồi, ít hay chú ý đến, nên hoặc có người không biết mà trái luật, hoặc có người nói và viết ra trúng luật mà cũng không tự biết…”. Đem hai từ “các” và “những” ra hỏi khi nào dùng chữ này, khi nào dùng chữ kia thôi, cụ Phan cũng nhắc người cầm bút hôm nay rằng để dùng một chữ cho đúng chỗ thôi cũng phải học rất công phu…
Trương Điện Thắng
Bình luận (0)