Cơ hội mới cho làng mộc Kim Bồng

07/07/2006 11:01 GMT+7

Năm 2003, chính phủ có kế hoạch khôi phục lại các làng nghề truyền thống. Riêng ở Quảng Nam, từ năm 1995-1996, UBND tỉnh đã có kế hoạch khôi phục các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh, nhưng cho đến nay, nhiều làng nghề truyền thống vẫn chưa tìm ra được đường đi cho mình.

Một làng nghề nổi tiếng

Từ thế kỷ 17, nghề mộc theo chân những người dân Thanh Hoa di cư vào Nam. Nguyễn, Huỳnh, Phan, Trương là những dòng tộc đầu tiên mang nghề mộc đến định cư và phát triển thành làng nghề nổi tiếng ở Kim Bồng (nay là Cẩm Kim - Hội An), trải qua thời gian, nó trở thành làng nghề truyền thống của người dân Hội An - Quảng Nam.

Những người thợ Kim Bồng góp tay tạo nên một Hội An cổ kính với những ngôi nhà mái vòm, đền, chùa, cầu nổi tiếng mà ngày nay ta hưởng thụ. Với tay nghề thành thạo, những đường đi tinh xảo trên thân gỗ, người thợ Kim Bồng thổi hồn mình vào trong từng tác phẩm. Một sản phẩm được làm ra là tâm huyết của một người, mỗi hoa văn trên sản phẩm là cái nhìn mỹ học của một người, tất cả không ai giống ai, không sản phẩm nào giống sản phẩm nào, không hoa văn nào giống hoa văn nào, nó là hơi thở của mỗi người làm mộc. Đó cũng chính là nét độc đáo làm nên mộc Kim Bồng. Họ mang nghề đi đến khắp nơi trong nước để góp phần làm nên những tuyệt tác như Kinh thành Huế, lăng chủ tịch Hồ Chí Minh... Mới đây, người thợ Kim Bồng tham gia vào trùng tu chùa Tịnh xá Ngọc Gián ở Đà Nẵng, khu du lịch Tuần Châu ở Quảng Ninh, những đền chùa, miếu mạo ở nhiều nơi trong nước, và đặc biệt là khu đô thị cổ Hội An.

Một thời lãng quên

Sau khi chiến tranh kết thúc, làng mộc Kim Bồng cũng có xu thế kết thúc theo, những người thợ Kim Bồng tản cư đi khắp nơi, họ làm đủ mọi nghề để kiếm sống. Trong họ, niềm say mê với gỗ, với búa, đục... vẫn còn, nhưng nó không duy trì được cuộc sống của họ, nghề mộc dần đi vào lãng quên và chỉ còn trong ký ức. Mộc Kim Bồng một thời vang bóng đã lặng chìm vào giấc ngủ sâu. Ông Đỗ Đình Phô - Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hội An, cho biết: “Sau chiến tranh, mộc Kim Bồng gần như bị mai một hoàn toàn. Lúc đó, ở Cẩm Kim còn rất ít người đi theo nghề mộc, tiêu biểu lúc này chỉ còn ông Huỳnh Ri. Vậy mà ông Huỳnh Ri cũng đã duy trì được làng nghề cho đến ngày nay”.

Ông Huỳnh Ri với bằng khen của UNESSCO

Ngày nay, khi nói đến mộc Kim Bồng, người ta nhắc ngay đến ông Huỳnh Ri và cơ sở sản xuất của ông. Huỳnh Ri là truyền nhân đời thứ 12 của mộc Kim Bồng, và cũng chính ông là người cuối cùng còn lưu giữ lại vốn nghề truyền thống của làng Kim Bồng sau khi chiến tranh kết thúc. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng tôi phải có trách nhiệm giữ gìn, nối nghiệp ông cha đã để lại. Lúc đó, tôi gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu vẫn là kinh tế, rứa mà đến chừ thì tôi cũng đã có xưởng riêng, có nguồn nhân công đầy đủ, và cũng đã có những đơn đặt hàng ở nước ngoài. Dù đầu ra cho sản phẩm của tôi chưa cố định nhưng vẫn đã sáng sủa hơn so với mười mấy năm về trước. Tôi mong rằng nhà nước sẽ tiếp tục đầu tư, quan tâm hơn nữa, đặc biệt là giúp chúng tôi tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm để mộc Kim Bồng ngày càng phát triển”.

Trước cơ hội phát triển

Năm 1996, UBND thị xã Hội An đưa ra kế hoạch khôi phục lại những làng nghề truyền thống ở đây, trong đó có mộc Kim Bồng. Trong năm 1996, thị xã kết hợp với trung tâm dạy nghề Quảng Nam mở lớp dạy nghề mộc tại xã Cẩm Kim do ông Huỳnh Ri phụ trách. Đến nay, tại Cẩm Kim đang chuẩn bị kết thúc khóa học thứ III. Đến năm 2003, khi Chính phủ có mục tiêu chung cho việc khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống thì những kế hoạch khôi phục của thị xã đi vào thực tiễn. Tổng số vốn đầu tư vào việc khôi phục và phát triển mộc Kim Bồng là 9,3 tỉ đồng, trong đó của nhà nước là 5 tỉ đồng, còn lại là do nhân dân tại đây đóng góp.

Đầu năm 2005, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị lên chính phủ cấp chứng nhận nghệ nhân nhân dân cho ông Huỳnh Ri và nghệ nhân ưu tú cho ông Huỳnh Sử. Năm 2006, UBND thị xã Hội An cũng đã tổ chức đăng ký lại thương hiệu cho mộc Kim Bồng đó là “Mộc Kim Bồng - Hội An”. Đồng thời, UBND thị xã Hội An cũng kết hợp với các trung tâm lữ hành tổ chức các tour du lịch đến Cẩm Kim để mang khách đến với Kim Bồng. Hiện nay, lượng khách đến Cẩm Kim chiếm khoảng 7% - 8% lượng khách đến Hội An. Đây là cơ hội để Kim Bồng phát triển.

Ông Huỳnh Ri truyền nghề cho học trò của mình

Tuy nhiên, việc tìm đầu ra cho những sản phẩm mộc Kim Bồng vẫn đang gặp nhiều khó khăn, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ cho nhu cầu du lịch. Các sản phẩm điêu khắc chạm trổ hay mộc gia dụng chủ yếu vẫn chỉ bán được dựa trên các đơn đặt hàng của khách du lịch. Trong khi đó, ông Đỗ Đình Phô - Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hội An, thì cho rằng: “Chúng tôi đã có nhiều kế hoạch đầu tư cho mộc Kim Bồng, việc định hướng cho mộc Kim Bồng cũng đã được chúng tôi làm tốt, việc thực thi nó như thế nào là việc của người dân, chúng tôi không thể cầm tay chỉ việc được, do đó việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm vẫn là việc của họ”.

Xuân Giang - Huệ Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.