Chẩn đoán bệnh cho doanh nghiệp

11/07/2006 23:33 GMT+7

Thời gian gần đây người ta nói nhiều đến việc tái cấu trúc doanh nghiệp (DN); chẩn đoán sức khỏe DN; chẩn đoán quản trị DN...

Mới đây, Sở Công nghiệp TP.HCM; Hiệp hội DNVN; Trường đại học Bách khoa đã phối hợp tổ chức chương trình "chẩn đoán bệnh cho DN" nhằm xây dựng một công cụ chẩn đoán bệnh cho các DNVN, tiến đến xây dựng một phần mềm để DN có thể tự chẩn đoán bệnh cho mình. Theo tiến sĩ Võ Văn Huy, Trung tâm BR&T (Đại học Bách khoa TP.HCM), các DNVN thường để bệnh quá nặng mới tìm cách chữa. Nhưng khi hội nhập, nếu không kịp chẩn đoán để phòng bệnh, DN sẽ không có cơ hội và thời gian để chữa bệnh và sẽ chết. Chính vì vậy, bất cứ DN nào cũng cần phải được chẩn đoán để ngừa bệnh trước khi nó trở nên quá trễ.

DN đang kinh doanh tốt, chẩn đoán để phòng bệnh; DN làm ăn bình thường phải chẩn đoán để phát triển hơn nữa; với những DN yếu kém thì đương nhiên phải chẩn đoán để chữa bệnh. Việc chẩn đoán sẽ cho DN thấy trước được những vấn đề về quản trị DN; sự lãng phí, các chi phí tiềm ẩn; cơ hội tự đánh giá lại mình một cách khách quan và biết phải làm gì để chữa bệnh cho mình.

Trước bối cảnh hàng trăm, hàng ngàn các công ty, các mặt hàng nước ngoài "ào" vào thị trường nội địa, các DNVN (với hơn 90% là DN vừa và nhỏ) cũng muốn tìm cho mình một liều thuốc để nâng cao sức cạnh tranh của mình trước các đối thủ hùng mạnh. Điều này thể hiện rất rõ vào số lượng các DN tham gia những cuộc hội thảo với chủ đề này. Đơn cử như trong hội thảo chẩn đoán bệnh DN do Sở Công nghiệp TP.HCM tổ chức mới đây. Số lượng DN tham gia gần gấp đôi số lượng DN được mời và hầu như không có DN bỏ về giữa chừng như thói quen dự hội nghị, hội thảo thường thấy của rất nhiều DNVN. Thế mới thấy, cạnh tranh trước ngưỡng cửa hội nhập đã thực sự trở thành nỗi lo lắng của rất nhiều DN. Một cuộc khảo sát được tiến hành ở 120 DNVN cho thấy, hầu hết DN đều băn khoăn và cho rằng mình có vấn đề. Tất cả đều loay hoay đi tìm lời giải "mình đang bệnh gì, làm sao chữa". Tuy nhiên, để DN thừa nhận về tình trạng sức khỏe, nhất là sức khỏe "có vấn đề" là rất khó. Hơn 200 DN có mặt tại hội trường hôm đó chỉ có vài DN cho là mình có bệnh, cần được chẩn đoán khi được hỏi "DN nào cảm thấy mình có bệnh?". Không có DN nào cho là mình khỏe mạnh, số gần 200 DN còn lại không cho là mình khỏe mạnh nhưng cũng không thừa nhận là mình có bệnh khiến cho các "bác sĩ" cũng bó tay.

Nguyên nhân của tình trạng này là do tâm lý sợ trách nhiệm cá nhân của các nhà quản lý DN. Chẩn đoán ra bệnh thì phải tìm ra nguyên nhân gây bệnh, từ đó sẽ tìm và quy trách nhiệm cá nhân và không người đứng đầu DN nào muốn điều này. Đã lường trước tình huống này nên nhà xây dựng công cụ chẩn đoán sức khỏe DN đặc biệt nhấn mạnh đến một yếu tố nằm ngoài yếu tố kỹ thuật nhưng có ý nghĩa quyết định công cụ chẩn đoán bệnh này có được sử dụng hay không. Đó là "kết quả chẩn đoán sẽ không cho thấy trách nhiệm của cá nhân trong các vấn đề được nhận dạng". Yếu tố này nhằm chữa căn bệnh sợ trách nhiệm mà rất nhiều DN gặp phải.

Theo các chuyên gia, sợ trách nhiệm mới chính là căn bệnh nguy hiểm nhất, khó chữa nhất đối với các DN của chúng ta. Bởi nếu không khắc phục được nó, sẽ không thể đưa công cụ chẩn đoán sức khỏe DN vào ứng dụng trong thực tế. Tuy nhiên, không có loại thuốc nào hữu hiệu bằng sự tự ý thức mỗi cá nhân trước sự sống còn của DN mình trong bối cảnh hội nhập. Vì vậy, việc sống hay chết; cạnh tranh nổi hay không phụ thuộc lớn nhất ở chính bản thân các DN chứ không phải những yếu tố khách quan bên ngoài.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.