Kỳ họp thứ 7 HĐND TP.HCM khóa VII: Vẫn nóng chuyện giải tỏa, đền bù, tái định cư

11/07/2006 22:26 GMT+7

Ngay sau phiên khai mạc sáng 11.7, các đại biểu HĐND TP.HCM đã tiến hành "mổ xẻ" những bức xúc về kinh tế và quản lý đô thị nhằm tìm ra những giải pháp tốt hơn cho giai đoạn tới.

Chạy đua để hội nhập

Báo cáo tại kỳ họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Đua cho biết trong 6 tháng đầu năm nay tổng sản phẩm nội địa (GDP) của thành phố tăng 10,5%, là mức tăng "khả quan" để hướng tới mục tiêu 12,5% cả năm 2006. Điều UBND thành phố lo lắng hàng đầu là năng lực cạnh tranh ở một số doanh nghiệp còn yếu trên nhiều lĩnh vực như: giá cả, chất lượng, tổ chức tiêu thụ, uy tín doanh nghiệp... "Chỉ có 4% số doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 10 tỉ đồng. Doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến chỉ chiếm khoảng 25%, còn lại là trung bình và lạc hậu..." - ông Đua lấy điển hình về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thành phố.

Từ thực trạng này, thành phố đề ra 8 nhóm giải pháp phát triển kinh tế, trong đó có việc "nghiên cứu thành lập một tổ chức để tham mưu cho Nhà nước và hỗ trợ các doanh nghiệp khi hội nhập kinh tế quốc tế bao gồm: chống bán phá giá, chống trợ cấp và các biện pháp tự vệ thương mại; đồng thời tham vấn về luật WTO khi có tranh chấp thương mại xảy ra". Đại biểu Lê Như Ái tỏ ra sốt ruột: "Hội nhập đã cận kề, chúng ta có thể sờ thấy được rồi mà bây giờ mới đặt vấn đề "nghiên cứu" thì bao giờ có? Phải "khẩn trương" chứ không phải "nghiên cứu". Đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa cũng đặc biệt quan tâm đến giải pháp này vì "Luật quốc tế rất nhiều, nhưng khi hội nhập nhiều doanh nghiệp không nắm được nên rất dễ chết".

Nóng bỏng chuyện giải tỏa, đền bù, tái định cư

Trong thông báo của Ủy ban MTTQVN TP.HCM tại kỳ họp, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM  Trần Thành Long bức xúc: "Được biết hiện nay, giá đất nông nghiệp trên thị trường được thông báo đấu giá tại quận 12 (đăng quảng cáo trên Báo SGGP ngày 6.7.2006) có giá khởi điểm là 2,5 triệu đồng/m2, trong khi đó người nông dân có đất bị giải tỏa chỉ được bồi thường bình quân từ 200 - 250 ngàn đồng/m2 là điều không hợp lý, nên phát sinh nhiều khiếu nại khi áp giá bồi thường...". Và không chỉ ông Long, rất nhiều đại biểu HĐND cũng bức xúc về vấn đề đền bù, giải tỏa, tái định cư. Theo số liệu của UBND TP.HCM, từ năm 1998 đến nay, thành phố triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng 700 dự án; trong đó 311 dự án đã hoàn thành, còn lại 389 dự án đang triển khai. Trong số gần 58 ngàn hộ bị giải tỏa trắng, có 17.178 hộ có yêu cầu tái định cư nhưng thành phố mới bố trí được 8.506 hộ, gần 5.500 hộ đang phải ở trong các khu nhà tạm cư với số tiền chi tạm cư lên đến trên 164 tỉ đồng. "Chính sách chi tạm cư là đúng, nhưng chỉ phù hợp cho một thời gian ngắn, còn kéo dài mấy năm như hiện nay vừa gây lãng phí, vừa gây bức xúc cho người dân" - đại biểu Lê Như Ái nhận định và quy trách nhiệm: "Việc chậm trễ trong các dự án tái định cư có nhiều nguyên nhân, trong đó công tác đôn đốc, kiểm tra của UBND thành phố còn hạn chế".

Liên quan đến việc giải tỏa, đền bù, tái định cư, tại kỳ họp lần này UBND TP.HCM cũng có một tờ trình riêng. Theo đó, một trong những giải pháp được UBND đưa ra là "sẽ tập trung nghiên cứu có lộ trình cụ thể để chuyển nhanh cơ chế áp giá bồi thường sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường...". "Đúng là cần phải có thời gian, lộ trình, nhưng cụ thể là trong bao lâu? Người dân đang rất nóng lòng chờ được áp giá đất như trong tờ trình" - đại biểu Nguyễn Minh Quang đặt vấn đề. Ông Quang cũng đề nghị phải có lộ trình cụ thể tái định cư cho gần 5.500 hộ dân đang tạm cư; đồng thời kiến nghị: "Với những dự án chưa đụng tới trong 3-5 năm nữa thì xin hãy khoan giải tỏa, di dời. Vì ta lo chưa được mấy ngàn hộ kia, giờ lại chất thêm thì chỉ khổ dân".

Đ.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.