Có đầy đủ bằng chứng khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam!

14/07/2006 00:35 GMT+7

Theo trang tin điện tử Chính phủ Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng khẳng định: "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền và quyền hợp pháp của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam.

Việt Nam chủ trương giải quyết các bất đồng thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở  tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố Ma-ni-la về biển Đông năm 1992 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) ký giữa các nước ASEAN và Trung Quốc ngày 4/11/2002.

Chúng tôi cho rằng trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản và lâu dài, các bên liên quan cần duy trì trên cơ sở giữ nguyên trạng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình".

Trả lời câu hỏi của phóng viên về phiên đàm phán đa phương tiếp theo về việc Việt Nam gia nhập WTO, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết:

"Trên cơ sở đàm phán song phương đã kết thúc, chúng tôi đang tích cực phối hợp với Ban Công tác về gia nhập WTO của Việt Nam và Ban thư ký WTO hoàn tất đàm phán đa phương và các thủ tục còn lại, để có thể gia nhập WTO trong thời gian sớm nhất.

Phiên đàm phán đa phương lần thứ 13 dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 20.7.2006. Phiên đàm phán đa phương lần này có ý nghĩa quan trọng, giúp rà soát toàn bộ nội dung bản báo cáo của Ban Công tác WTO; thảo luận nốt những vấn đề còn chưa thống nhất trong các phiên đàm phán trước. Việt Nam cũng sẽ thông báo về chương trình hành động lập pháp của mình, trong đó cập nhật tất cả những dự luật mới mà Quốc hội Việt Nam đã ban hành kể từ sau phiên đàm phán đa phương tháng 3.2006 vừa qua. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ trả lời các câu hỏi và giải đáp những thắc mắc của các thành viên WTO, nếu có. Vấn đề tồn tại không nhiều, đã được đề cập và tìm giải pháp trong những lần gặp gỡ khác nhau trong khuôn khổ đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam.

Việt Nam sẽ nỗ lực tối đa, đồng thời hy vọng rằng các đối tác đàm phán, đặc biệt là các đối tác lớn, trên cơ sở tính đến hoàn cảnh kinh tế - xã hội của Việt Nam và những nỗ lực mà Việt Nam đã thể hiện trong toàn bộ quá trình đàm phán trong thời gian qua, sẽ linh hoạt, chấp thuận bản chào đa phương của Việt Nam, không nêu những yêu cầu quá cao, tạo điều kiện cho Việt Nam hoàn tất đàm phán đa phương và sớm trở thành thành viên của WTO".

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc Ủy ban Tài chính Thượng viện Hoa Kỳ đã có cuộc điều trần về dự luật dành quy chế Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng nói:

"Việc Việt Nam và Hoa Kỳ đã chính thức ký kết thỏa thuận đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO và Quốc hội Hoa Kỳ đang xem xét dành cho Việt Nam PNTR cho thấy xu hướng phát triển tích cực trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. PNTR mang cả ý nghĩa chính trị và kinh tế, và mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai quốc gia, hai dân tộc Hoa Kỳ và Việt Nam.

Về khía cạnh chính trị, việc dành PNTR cho Việt Nam được xem là bước đi quan trọng cuối cùng trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.

Về khía cạnh kinh tế, PNTR sẽ mở đường cho hai nước thực thi các cam kết của hai bên trong khuôn khổ các quy định của WTO và của Hiệp định song phương Việt Nam - Hoa Kỳ về việc Việt Nam gia nhập WTO.

Thông qua PNTR là một quá trình với nhiều thủ tục pháp lý phức tạp. Tuy nhiên, hiện đang là thời điểm thuận lợi cho việc xem xét dự luật này. Việc sớm thông qua PNTR cho Việt Nam được ủng hộ rộng rãi và mạnh mẽ của giới kinh doanh, người dân, chính quyền và nhiều nghị sĩ Hoa Kỳ, cộng đồng người Việt Nam ở Hoa Kỳ".

Ngọc Vân
(Nguồn: Bộ Ngoại giao)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.