Bắt côn trùng “đẻ” ra tiền

22/07/2006 21:48 GMT+7

Khá bất ngờ khi chúng tôi được một anh bạn cho biết: "Tui bỏ nghề lái xe chuyển sang nghề… nuôi dế". Suốt mấy ngày sau đó, lăn lộn với đám dế của anh, chúng tôi phát hiện ra không chỉ có một mình anh bạn của mình "điên" mà có rất nhiều người đang nuôi các loại côn trùng khác để kiếm lợi nhuận.

Đổ xô nuôi dế

Ngọc, một tài xế xe đường dài dẫn chúng tôi đi thăm "trang trại dế" của anh với một sự hồ hởi: "Tụi nó đẻ nhanh lắm và cũng lớn nhanh như thổi. Tui bỏ nghề xe chuyển sang nghề nuôi dế từ mấy tháng nay". Len lên chiếc cầu thang gỗ, chúng tôi bước vào "trang trại" dế thử nghiệm của Ngọc với rất nhiều thùng nhựa to và tiếng dế gáy rân trời. Bên trong mỗi chiếc thùng nhựa to là những cái rế đan bằng tre, được xếp chồng lên nhau để tạo ra nhiều khoảng trống cho các chú dế có chỗ bám, không giẫm đạp lên nhau. Cơ man nào là dế! Chúng không phải là hàng hiếm được bắt ở ngoài đồng, ngoài vườn mà đang được nuôi đẻ công nghiệp với tốc độ chóng mặt. Chỉ với 30 con dế mẹ, 15 chú dế cha có thể sản xuất hàng nghìn trứng mỗi ngày.

Cứ mỗi sáng, khay trứng được lấy ra đưa đi ấp, sau đó thay khay mới vào thùng để dế mẹ tiếp tục đẻ. Tuy nhiên, dế chỉ đẻ được trong vòng 2 tháng là phải thanh lý. Trong sản xuất công nghiệp, người nuôi có những bí quyết để giữ cho trứng nở vào thời điểm nào mình muốn. Thùng dế giống có chục cặp dế "lực lưỡng", ở đây được trải một lớp đất mịn, phun sương thường xuyên để giữ độ ẩm, luôn có cỏ tươi và được chăm sóc đến tận chân răng (cho ăn cám, cà rốt..., đề phòng chuột, kiến...) để chúng sản sinh ra những bầy dế con. Theo Ngọc, dế có 7 loại, loại anh đang nuôi là dế đá, nhưng giống dế mà anh muốn nhắm tới là dế cơm, to gấp đôi con dế đá.

Thấy chúng tôi không tin dế có thể đem lại lợi nhuận cao, Ngọc lên mặt: "Các nhà hàng đặc sản giờ tiêu thụ dế rất mạnh, 1kg dế bán được 300 ngàn đồng chớ đâu ít. Món ăn đặc sản dế không chỉ phát triển ở Việt Nam mà còn ở cả Trung Quốc, Thái Lan ấy chứ!". Không chỉ dừng lại ở việc nuôi thử nghiệm dế, Ngọc đang tích cực sưu tầm các loại côn trùng khác để khi xây dựng xong trang trại trên Bình Dương là có thể bắt tay vào việc nhân giống, phát triển.

Dế, bò cạp chế biến thành đặc sản

Để hiểu thêm về một ngành chăn nuôi mới lạ, theo hướng dẫn của Ngọc, chúng tôi tìm đến "Nhà hàng côn trùng" của Tùng "dế" tại ấp Bến Đò 2, xã Tân Phú Trung, H.Củ Chi. Nằm sâu hun hút trong con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, một cái sân nhỏ được bao bọc kín bởi một tấm lưới xung quanh nối liền với căn nhà phía sau,


Món dế sữa chiên giòn ăn với bánh tráng và nước mắm chua ngọt

mỗi khi có khách là chủ nhân phải đích thân mở lưới cho khách bước vào. Theo Tùng "dế", làm như vậy cho sạch sẽ, không ruồi muỗi. Tuy không hoành tráng, sang trọng như những nhà hàng đặc sản ở nội thành, nhưng nhà hàng của Tùng dế cũng nườm nượp khách, kẻ đến thưởng thức đặc sản dế 5 món, bò cạp chiên giòn; người đến học hỏi cách chăn nuôi, mua con giống, mua sản phẩm về chế biến...

Điểm đặc biệt ở nhà hàng côn trùng này là quy trình khép kín từ nuôi dế, bò cạp đến việc chế biến chúng thành món ăn. Trong khuôn viên khá rộng nằm bên cạnh nhà hàng có trên 1.000 thùng đựng dế phát ra tiếng gáy vang dội cả vùng và một cái hồ to xây bằng xi măng được phủ rơm, vỏ dừa mục với hàng ngàn con bò cạp chui rúc bên dưới. "Bò cạp rất dễ nuôi, chúng thích ăn những con gì còn sống, nhúc nhích như cá, dế..." - Tùng "dế" cung cấp cho chúng tôi ít thông tin cơ bản về bò cạp. Thấy chúng tôi tò mò, Tùng "dế" vạch lớp vỏ dừa bên trên để lộ ra hàng chục chú bò cạp đen thui với hai cái càng ngoe nguẩy, cái đuôi nhọn chổng ngược lên chỉ chực "xử" bất cứ ai đụng đến chúng. Chỉ chớp mắt chúng đã lẩn mất vào các ngóc ngách tối tăm khác. Nhẹ nhàng bắt cho chúng tôi xem một chú bò cạp, Tùng "dế" truyền đạt kinh nghiệm: "Nó chỉ “tấn công” nếu mình làm nó đau".

Không phải ai cũng có can đảm nhấm nháp các món ăn trong nhà hàng côn trùng của Tùng "dế", bởi thực đơn mới nghe đã... sợ: dế kho, dế sữa chiên giòn, bò cạp chiên... Nhìn những con dế nhỏ xíu bày ra trên đĩa cứ như những đám sâu lúc nhúc khiến không ít vị khách sợ


Những chú bò cạp chiên giòn với cặp càng dữ tợn

không dám gắp. Nhưng như thế cũng không ghê bằng những con bò cạp đen thui dù đã bị chiên giòn trông vẫn đầy vẻ dữ tợn. Tuy nhiên, khi thưởng thức một lần rồi thì cảm giác béo, thơm là lạ sẽ níu chân thực khách, buộc phải tìm ăn lần thứ hai, thứ ba... Tùng "dế" cho biết, 1 kg dế chừng 700 con có giá từ 250 - 300 ngàn đồng, bò cạp sống 4.000đ/con, thành phẩm có giá 5.000đ/con, đi kèm với món ăn còn có rượu dế, rượu bò cạp. Tùng "dế" mơ một ngày nào đó có thể xuất khẩu côn trùng ra nước ngoài.

Trùn cũng "đẻ" ra tiền

Vượt qua gần 10 km đường đất đỏ bụi mù mịt, với những ổ gà đầy nước trơn trượt dọc theo kinh Thầy Cai, dưới chân cầu An Hạ, chúng tôi tìm đến trang trại nuôi trùn. Những người dân xung quanh gọi là trang trại chứ thật ra đó là Công ty TNHH TM-SX nông nghiệp Hoàng Khang ở kênh 10, xã Tân An Hội, Củ Chi. Điểm đặc biệt của công ty này là nuôi trùn, những con trùn đỏ có tên khoa học là Perionyx Excavatus, tên dân dã là trùn quế. Trong một khuôn viên khá rộng có chừng vài chục ô trùn đang được nuôi bằng phân bò trộn với rơm mục, xơ dừa. Loại trùn này có màu đỏ như huyết, lớn cỡ cây tăm xỉa răng, dài chừng 8 - 10 cm. Anh Thảo, một nhân viên ở đây cho biết, 1 kg trùn giá bán 150 ngàn đồng. "Ba ba, cá, gia cầm... rất hảo loại trùn quế này", anh Thảo tiếp, "Phân bùn (sau khi trùn ăn phân bò trộn với rơm mục, xơ dừa sẽ cho ra phân bùn) cũng bán được cho các nhà vườn mua về để bón cho cây cối, làm tốt đất. Nói chung không bỏ thứ gì".

Trong y học cổ truyền Việt Nam, trùn đất được dùng để trị suy nhược cơ thể, cao huyết áp, sốt rét, sốt nóng... Mới đây, trên báo Khoa Học Phổ Thông có bài viết về công trình nghiên cứu cấp nhà nước của TS Nguyễn Thị Ngọc Dao và các cộng sự đã tìm thấy trong trùn quế chất enzym có thể thủy phân đặc hiệu sỏi fibrin. Bước đầu, TS Dao đã tạo ra được bột trùn có hoạt tính làm tan các khối máu cục trong chữa trị bệnh tim mạch. Hiện nay, TS Dao và các cộng sự đang tiến tới tạo enzym bằng công nghệ tái tổ hợp gien để làm thuốc chữa bệnh tim mạch, chữa những di chứng của nhồi máu đông, tĩnh mạch hoặc não. Và như vậy trùn không chỉ dừng ở việc phục vụ cho chăn nuôi, trồng trọt.

Ở trang trại Hoàng Khang cũng đã nuôi thử nghiệm trùn hổ, loại này ăn đất. Theo dân gian, thì loại trùn này có thể chế biến thành thực phẩm, làm chúng như làm ruột gà rồi nấu cháo. Theo một tài liệu nuôi trùn, trên thế giới có trên 2.000 loại trùn khác nhau. Ở một số nước, người ta nuôi trùn để chế biến thức ăn. Không chỉ vậy, Nhật và Canada là hai quốc gia sử dụng trùn nhiều nhất trên thế giới trong việc chế biến mỹ phẩm. Ở nước ta, một số trang trại nuôi trùn cũng đang nghiên cứu để chế tạo một loại phân vi sinh, mỹ phẩm từ trùn, một số khác cũng đang chế biến làm thuốc đông y....

Hẳn những ước mơ làm giàu từ côn trùng không còn được xem là "điên" và xa vời ngoài tầm tay nữa. Bởi tiềm năng của chúng rất lớn và nguồn lợi thu được từ chúng không phải là nhỏ.

Bài, ảnh: Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.