Những môn thi không thể có "phao"

24/07/2006 22:36 GMT+7

Bạn hãy kể cho chúng tôi nghe một kỷ niệm buồn thiệt buồn của bạn từ trước tới nay?" - "Dạ, kỷ niệm khiến em buồn thiệt buồn là lần em làm mất xe đạp, bị bố đánh cho một trận tơi bời...". "Chuyện đau buồn nhất của em là đến giờ vẫn yêu đơn phương người ấy...". "Còn nỗi buồn của em là cả nhà em không ai cho em thi vào ngành điện ảnh hết á...".

Thi làm diễn viên

Tham dự buổi tuyển sinh cho lớp trung cấp diễn viên kịch - điện ảnh của Trường CĐ Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM ở môn năng khiếu, chúng tôi không khỏi... phì cười một cách bao dung trước những "nỗi buồn thiệt buồn" của các thí sinh còn quá trẻ, có em chỉ mới 15 tuổi. Nếu như nỗi buồn có thể sáng tác, có thể học thuộc đến mức kể lại nỗi buồn của mình mà gương mặt lại vô cảm như thế, thì coi như "xong". Bởi cảm xúc chân thật là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá anh có thể theo nghề diễn hay không. Điều này thì thí sinh không thể quay cóp hay bắt chước ai được.

Tại những buổi thi vào các trường khác, mỗi giám thị chăm sóc cỡ vài chục thí sinh thì ở đây, một thí sinh được chăm sóc bởi những 3 giám thị và cũng là giám khảo! Đó là các nghệ sĩ. Chưa kể một "chú" quay phim để xem thí sinh có ăn ảnh hay không. Thi thoảng, thí sinh lại giật bắn mình không kịp xoay xở vì những câu hỏi "móc" bất ngờ. Hoặc bị bắt đóng những tình huống "dở cười dở khóc". "Nào, em hãy tưởng tượng em đang vào phòng tập thể hình của Lý Đức để tập cho tay mình săn chắc. Em đi một vòng để chọn loại tạ phù hợp với cơ thể mình. Rồi, hãy nhấc từng thanh tạ lên, cái này nhẹ không ấy mà... thế... đúng rồi... thử tiếp cái khác nặng hơn. Vẫn còn nhẹ... kia kìa, góc đó có 2 quả tạ nặng nhất. Cố lên, hãy cố nhấc lên xem nào. Tốt lắm, cố đưa lên ngang vai, dùng hết sức...". Đạo diễn Công Ninh đang làm giám khảo liến thoắng khiến cho anh chàng Lưu Trọng Khanh, quê Đồng Tháp mệt nhoài với một "đống tạ" tưởng tượng. Đang dùng hết sức để nhấc tạ thì ông đạo diễn khó tính "dội" cho 1 gáo: "Nhấc rất khỏe, nhưng tôi không hiểu sao em nắm thanh tạ như thế mà không bị ngã bổ ngửa?". Thì ra thí sinh này nắm tạ sai quy cách. Cả giám khảo, người bị "dội nước" lẫn vài chục thí sinh đứng lố nhố ngoài cửa cùng cười sảng khoái.


Những vị giám khảo khó tính nhưng cũng đầy bao dung (Ảnh: Mỹ Quyên)

"Chúng tôi đề nghị các em đọc thơ, hát là để thử giọng. Rồi chạy một vòng để xem cơ thể có bị khiếm khuyết gì không. Và hỏi những câu như: "Nỗi buồn lớn nhất của em là gì?", "Tại sao lại thi nghề diễn viên?", đưa ra nhiều tình huống không lường trước để thử phản xạ cũng như cảm xúc của thí sinh. Có khi chọn cả buổi mới được một, hai thí sinh có tố chất làm diễn viên", đạo diễn Chánh Trực cho biết. Trong số 199 thí sinh dự thi, sẽ chỉ có 25 em được chọn. Quả thật, có quá nhiều thí sinh chưa hiểu rõ về khả năng của bản thân trước khi lựa chọn cho mình một nghề cần sự sáng tạo như nghề diễn. Sự ngô nghê trong việc chọn bài thơ, bài hát để diễn tả cũng như tiểu phẩm thể hiện khiến các em không thể ghi điểm. Ngay như việc đơn giản nhất là nhiều em kể về nỗi buồn của chính mình mà cứ ngỡ như là của ai! Có em lại "dốc tuột" hết cả cõi lòng khi hồi ức lại một mối tình vô vọng. Khi Ban giám khảo đưa ra tình huống để diễn thì một số em ngơ ngác, không biết phải diễn như thế nào. Và nếu như một người diễn viên cần có thanh sắc, không được phép diễn xuất tồi, không được phép phản ứng chậm thì hầu hết các em sẽ đều... trượt.

Đến “mon men” nghề đạo diễn

Sang lớp tuyển sinh nghề đạo diễn, chúng tôi lại chứng kiến nhiều cảnh ngộ nghĩnh không kém. Tiểu phẩm của những người có giấc mơ làm đạo diễn hoặc là quá đơn giản, hoặc là quá đao to búa lớn, hoặc lại rất tầm phào, chỉ có một số ít thực sự có "chất". Để chọn ra 20 em trong số 300 thí sinh quả thật cũng không dễ! Nhiều em chẳng mấy khi ngó ngàng đến phim ảnh, không phân biệt được phim truyền hình với phim nhựa, hỏi những bộ phim gây xôn xao làng điện ảnh gần đây cũng... mù tịt. Có em còn hỏi tôi: "Chị ơi, em phải phát biểu cảm nghĩ về bộå phim có cảnh Công Ninh mang hài cốt của bạn ra Bắc, chị nhớ tên phim là gì không nói em nghe với (?!)".

Không chỉ ngành sân khấu, điện ảnh có những buổi thi đặc biệt như thế, mà nhiều ngành đặc thù khác cũng đòi hỏi thí sinh phải có năng khiếu, khả năng tư duy, sáng tạo thực sự như hội họa, kiến trúc, âm nhạc... Với những môn thi vẽ, hát, diễn xuất này thì sự gian lận trong thi cử, nếu có, chính là sự "giấu dốt", sự giả tạo, sự "tỏ vẻ"... Thí sinh chỉ có thể đỗ nhờ thực lực của chính mình.

M.Q

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.