Chào những linh hồn...

25/07/2006 23:40 GMT+7

Cách đây hơn 6 năm, vào một buổi chiều mùa đông Hà Nội, tôi đã gặp Boris Lojkine. Lúc ấy, anh đã là một tiến sĩ triết học, đã kiếm được một chân trợ giảng ĐH Paris (điều rất khó thực hiện với những người trẻ tuổi, dù có học hàm học vị cẩn thận). Nhưng anh đã bỏ tất cả, và tay trắng sang Việt Nam, chỉ với mục đích được làm phim, những bộ phim tài liệu về một đề tài: Trường Sơn và chiến tranh Việt Nam.

Qua giới thiệu của một người bạn, biết tôi cũng đã từng vượt Trường Sơn ngày chiến tranh, Boris muốn gặp để hỏi chuyện về Trường Sơn, về cách để có một chuyến vượt Trường Sơn hôm nay đúng theo kiểu những người lính Cụ Hồ đã đi ngày trước. Dĩ nhiên, không phải theo kiểu đi tour du lịch. Nhìn gương mặt trẻ măng nhưng đầy quyết tâm của Boris, tôi biết anh không nói đùa và ý tưởng này của anh không phải nảy ra một cách tức hứng. Sau đó, trong bài viết Có một Trường Sơn của Boris, tôi đã bày tỏ sự cảm phục và khuyến khích Boris thực hiện dự định của mình. Dù bấy giờ tôi cũng chưa nghĩ anh sẽ làm phim về Trường Sơn về chiến tranh Việt Nam như thế nào?

Anh - một chàng trai Pháp (gốc Nga - ông nội Boris là người Nga định cư tại Pháp) - chưa từng biết thế nào là chiến tranh, lại là chiến tranh Việt Nam, anh sẽ làm phim về đề tài hoàn toàn mới mẻ ấy ra sao? Và đêm hôm kia, qua VTV1, tôi đã biết Boris làm phim như thế nào! Xem suốt 55 phút phim Những linh hồn phiêu dạt, tôi đã nhiều lần không cầm được nước mắt. Tôi khóc lặng lẽ, như những nhân vật trên phim của Boris đã khóc. Và tôi nghĩ, có thể hàng vạn người Việt Nam xem phim của Boris cũng đã khóc như tôi. Nhân dân tôi đã khóc khi nhìn thấy nỗi đau dai dẳng của mình, tâm nguyện chưa thực hiện được của mình, như nhìn thấy chính "những linh hồn phiêu dạt" là con em mình, đồng đội mình, những người cha người chồng của mình đang chơi vơi đâu đó trong cõi vô cùng. Sau khi hy sinh 30, 40 năm, linh hồn họ vẫn chưa được đoàn tụ cùng gia đình.

Ngỡ như với thời gian, nỗi đau ấy đã nguôi ngoai. Nhưng không hề. Tôi không hiểu làm sao Boris lại bắt đúng "kênh" này, anh đã "nhập" được vào tâm linh, tâm nguyện của nhân dân tôi, anh đã như một người con từ ngôi nhà nhỏ bé của người vợ mất chồng, người mẹ mất con để cùng ra đi trong cuộc hành hương thiêng liêng và đau khổ kiếm tìm "những linh hồn phiêu dạt". Và trong cuộc tìm kiếm ấy, cũng là cuộc tìm kiếm vào chiều sâu của lòng chung thủy và tình nghĩa Việt Nam, những phẩm chất thăm thẳm tận nguồn của người Việt Nam đã thể hiện một cách tự nhiên nhất. Không lời bình, không âm nhạc, "chỉ có sự thật và sự thật" như cách nói của Boris, chỉ có tiếng nói, tiếng khóc, những lời nguyện cầu, tiếng cuốc bổ nặng nề vào lòng đất... Chỉ có tình yêu đớn đau, tình đồng đội sâu sắc, chỉ có những ước muốn bình dị, sự nhẫn nại vô cùng, và cả sự chịu đựng tới mức thành bình thường... Tất cả, đó là tâm hồn nhân dân tôi mà Boris đã cảm nhận được.

Tôi không biết những nhà làm phim Việt Nam sẽ nghĩ gì khi xem phim này và nghĩ gì khi Boris nói nhiều lúc anh tưởng đã không thể vượt qua những khó khăn, nhất là khó khăn về tài chính, để thực hiện bộ phim. Không nhà tài trợ, không kinh phí nhà nước, trong khi thực hiện bộ phim, hai đạo diễn Boris và Tuấn Anh nói họ đã nhận được sự giúp đỡ của chính những nhân vật của họ - những người có lẽ còn nghèo hơn cả họ. Phải có một thôi thúc nào ghê gớm lắm người ta mới có thể vượt qua quãng thời gian 4 năm và những khó khăn nhường ấy để hoàn thành bộ phim Những linh hồn phiêu dạt. Và chính linh hồn những liệt sĩ của chúng ta đã phù hộ, nâng đỡ  họ - cả người làm phim lẫn những nhân vật trong phim như chị Tiếp - để thế giới biết người dân Việt Nam phải chịu đựng những mất mát đau khổ như thế nào sau khi chiến tranh đã kết thúc hơn 30 năm.

Thực ra, đây là bộ phim không nói về những liệt sĩ, mà nói về những người Việt Nam đang sống, nói về chiều sâu của tâm hồn Việt Nam, tình yêu thương Việt Nam. Mà những điều đó thì không hề "phiêu dạt". Xin chân thành cảm ơn đạo diễn Boris Lojkine!

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.