Thành Lộc - Dạ cổ hoài lang

26/07/2006 22:35 GMT+7

Đối với nghệ sĩ, gặp được một vai hay như bắt được vàng. Với tôi, vai ông Tư trong Dạ cổ hoài lang còn hơn thế nữa, là kim cương trong đời...".

NSƯT Thành Lộc bâng khuâng nói như thế khi nhắc đến vai diễn mà anh đã đóng hơn 300 suất tại Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần (nay là Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM). Bây giờ, Dạ cổ hoài lang vẫn được diễn thường xuyên với các nghệ sĩ khác đóng vai ông Tư,  nhưng dấu ấn Thành Lộc đã khắc sâu trong tâm trí khán giả, và không thể phủ nhận chính anh đã mở một đường dây kịch bản dễ thương đến như thế để làm nền cho bạn diễn sau này.

Bắt đầu là một kịch bản của Thanh Hoàng dự trại sáng tác do Hội Sân khấu và Đài truyền hình TP.HCM (HTV) tổ chức. Khi đạo diễn Công Ninh đưa kịch bản cho Thành Lộc thì câu đầu tiên Lộc hỏi là: "Nó được giải mấy?". Công Ninh đáp: "Giải 4". "Ừ, giải 4 thì tui nhận, còn giải nhất, giải nhì thì không". Sao lạ vậy ? Thành Lộc cười: "Đề tài tác phẩm đoạt giải nhất, nhì thường khô khan, nhân vật không thực. Khi đọc Dạ cổ hoài lang tôi thấy nó rất "đời", rất "người" nên tôi nhận liền". Quả nhiên, Dạ cổ hoài lang trở thành một hiện tượng của sân khấu TP.HCM, có người mua vé xem đi xem lại mấy lần mà nước mắt vẫn tuôn trào. Thập niên 80, 90 thế kỷ trước, hoàn cảnh người dân TP.HCM rất giống với kịch bản, nhiều gia đình rơi vào cảnh xuất ngoại chia lìa, nên câu chuyện trên sân khấu đã xoáy sâu vào trái tim người ta. Nó còn là chuyện dị biệt văn hóa, nỗi đau của người Việt Nam nơi đất khách, làm rung động tâm hồn khán giả. Thậm chí, không cần đi ra nước ngoài, những người bỏ quê lên thành phố lập nghiệp cũng tìm thấy trong Dạ cổ hoài lang những rưng rưng hoài niệm về một vùng quê bình yên có lũy tre xanh, có dòng sông nhỏ, có con đò chông chênh, có câu hò ngọt lịm mỗi hoàng hôn. Thế là người ta khóc...

Riêng Thành Lộc khóc vì một hoài niệm nữa: "Tôi bắt gặp nhân vật ông Tư sao mà giống ba tôi. Ông sống hoài cổ, và một chút bảo thủ. Tôi là lớp diễn viên hồi mới giải phóng nên có những quan điểm sống, quan điểm làm nghề khác với ông, thành ra hai cha con cứ hay tranh luận gay gắt, y như mâu thuẫn giữa ông Tư và đứa cháu trong vở. Tôi đã diễn với vốn sống từ ba tôi, có những câu thoại, những động tác tôi cố tình lặp lại hình ảnh của ông. Thí dụ, dáng đi dáng đứng, hoặc gặp bất kỳ người nào đến chơi là bắt ngồi nghe ông kể chuyện quá khứ, hoặc khi cãi không lại tôi thì ông cười hề hề nhẫn nhịn...". Ba của Thành Lộc là NSND Thành Tôn, một cây cổ thụ trong làng hát bội. Ông sống thọ 84 tuổi. Những ngày cuối đời, ông vẫn say mê nghề hát đến quên cả bệnh tật. Trong căn phòng nhỏ, khi học trò đến hỏi về những vai diễn thì ông lập tức nhảy khỏi ghế, đứng lên múa những động tác vũ đạo, quay tít người trong cái khoảng không chưa đầy 4 mét vuông. Múa xong, ông lăn ra thở hổn hển nhưng nét mặt tràn đầy sung sướng. Thậm chí, khi ông nằm ở Bệnh viện Nguyễn Trãi, nghệ sĩ Kim Thanh đến hỏi về vai Châu Xương, ông liền nhảy xuống giường múa ngay một lớp. Và đúng một tuần sau ông ra đi vĩnh viễn. Trái tim nghệ sĩ ấy đập cho đến phút cuối cùng với nghệ thuật. Đó chính là chất liệu để Thành Lộc sáng tạo lớp diễn tuyệt vời cho cái chết của ông Tư. Trong kịch bản, ông Tư chết trên giường bệnh, có một bác sĩ người Mỹ giả làm con trai ông đến đưa tiễn. Nhưng Thành Lộc phản đối: "Tôi không thích có người nước ngoài chen vào tâm hồn người Việt. Bi kịch này là do chính người Việt gây ra thì không ai có quyền chen vào giải quyết. Tôi muốn ông Tư phải đứng cao hơn nỗi đau, chết trong sự thăng hoa chứ không phải chết trong nỗi đau. Như ba tôi, chết trong sự thăng hoa nghệ thuật. Vì vậy, tôi để cho ông Tư leo lên sân thượng, là một điểm cao, và chết trong niềm hạnh phúc khi đối diện đất trời bao la. Như thế, giá trị của bi kịch mới đẩy lên tuyệt đỉnh". Quả thực cái chết ấy đã đóng lại vở diễn như một giọt nước mắt hóa thạch trong lòng khán giả, mãi mãi không quên mảnh ván mong manh bắc cầu đưa ông già lên hòa nhập cùng tuyết và gió, để tâm hồn ông thoát khỏi thể xác già nua bay về với quê cha đất tổ, trẻ trung như ngày ấy ngồi bên bờ sông hát bài Dạ cổ hoài lang chờ cô thôn nữ... Cái chết ấy lại làm hồi sinh một cái gì đó thật mãnh liệt trong lòng khán giả, hình như là tình yêu Tổ quốc, hình như là văn hóa dân tộc, mà không cần phải dùng những lời đao to búa lớn.

Thật xứng đáng khi Dạ cổ hoài lang đoạt cùng lúc 5 huy chương vàng (HCV) trong Hội diễn Sân khấu nhỏ TP.HCM năm 1995 (HCV cho cả vở, và 4 HCV cho 4 nghệ sĩ Thành Lộc, Việt Anh, Hồng Vân, Quốc Thảo). Sau vở này, Thành Lộc được phong Nghệ sĩ Ưu tú, 5B nâng cấp thành Nhà hát Sân khấu nhỏ, và khán giả đổ xô đi tìm lại bài Dạ cổ hoài lang, còn nghệ sĩ đổ xô đi hát Dạ cổ hoài lang tại các tụ điểm, sân khấu. Một "cú hích" mạnh đến thế!

Nhưng còn một "cú hích" khác cũng mạnh không kém, là chinh phục khán giả phía Bắc. Thật sự, sau giải phóng rất ít đoàn hát ra Bắc biểu diễn, và khán giả cũng như nghệ sĩ phía Bắc cũng không đánh giá cao mảng kịch nói phía Nam. Nhưng khi Dạ cổ hoài lang Bắc du, suất nào cả khán phòng cũng vừa vỗ tay vừa khóc. Thành Lộc còn nhớ nghệ sĩ Lan Hương lên sân khấu ôm anh mà khóc như đứa trẻ. Còn NSND Đào Mộng Long thì bay bổng đến nỗi lạc đường về, lên tận mãi Công viên Lê Nin rất xa nhà của cụ.

Hạnh phúc vậy thì thôi!

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.