Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong hoạt động GQVL khi năng lực của các Trung tâm Giới thiệu việc làm còn hạn chế, các hoạt động diễn ra trong HCVL chưa phong phú. Hơn thế nữa, thông tin thị trường lao động của cả 2 hoạt động này còn thiếu, chưa tập trung. Mặt khác, mục tiêu đặt ra của thành phố từ năm 2006, sẽ nâng tỷ lệ hỗ trợ GQVL cho người lao động tăng lên 40-50% tổng số lao động được GQVL hàng năm cũng như phải dần hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng tham gia. Và Chợ Việc làm (CVL) được xem là giải pháp hữu hiệu để góp phần thực hiện chương trình “3 Có” của thành phố trong giai đoạn mới.
Từ hình thức HCVL, CVL 2006 đã nâng tầm hoạt động với nhiều hình thức phù hợp như tiếp nhận đăng ký tìm việc, tiếp nhận đăng ký tuyển dụng, tổ chức sơ tuyển, phỏng vấn tuyển dụng tại chỗ, tuyển sinh, cung cấp thông tin cho người lao động và từng bước chuyên môn hóa các khâu công việc cho người lao động và người sử dụng lao động.
Tại phiên giao dịch trong 2 ngày 12 và 13/5 vừa qua, đã có 119 đơn vị đăng ký tuyển dụng cho 29 loại vị trí khác nhau với nhu cầu tuyển dụng gần 7,9 nghìn lao động. Trong đó, có 912 lao động có trình độ Đại học, 627 lao động có trình độ Cao đẳng và Trung cấp, 694 lao động có nghề và gần 5,7 nghìn lao động phổ thông. Đã có 2570 lao động đăng ký tìm việc và 2040 lao động nộp hồ sơ tham gia sơ tuyển, phỏng vấn tại CVL 2006. Chỉ trong phiên giao dịch này, có 41 đơn vị đã tổ chức sơ tuyển, phỏng vấn 1958 lao động và bước đầu, 542 lao động đã được tuyển dụng. Đáng kể, trong số này có 140 lao động có trình độ Đại học, 67 lao động có trình độ Cao đẳng và Trung cấp, 90 lao động có nghề và 245 lao động phổ thông. Được biết, 78 đơn vị còn lại sẽ được Trung tâm Dịch vụ Việc làm (Sở LĐ-TB và XH) chắp nối để người lao động và người sử dụng lao động tiếp tục được gặp gỡ. Nhìn vào kết quả ấy, hiệu quả CVL 2006 được nhìn nhận ra sao ?
Nhu cầu việc làm của lao động trẻ là rất lớn, song việc thiếu kỹ năng lao động vẫn là một hạn chế trên đường tìm việc |
Không thể nhìn vào tỷ lệ ấy để đánh giá hiệu quả nếu xác định thực tế, người sử dụng lao động đã đề ra tiêu chuẩn khá cao hoặc người lao động không đáp ứng được tiêu chuẩn của người sử dụng lao động. Hay nói cách khác, đã có sự mất cân đối về quan hệ cung - cầu cục bộ ở từng loại hình, loại chức danh, loại vị trí công việc…Phó Trưởng Ban tổ chức Chợ Việc làm thành phố Đà Nẵng 2006 Nguyễn Pháo đã đánh giá như thế.
Mặt khác của vấn đề cũng được nhìn nhận khi thực tế cho thấy, số lao động thất nghiệp tự nguyện của thành phố là có thật với một tỷ lệ không nhỏ. Hầu hết, những lao động Đà Nẵng chưa có việc làm đều mong muốn tìm được chỗ việc làm có thu nhập cao và tham gia lao động theo sở thích, cùng với mong muốn được giao lưu xã hội. Tuy nhiên, do chưa có kỹ năng hoặc kỹ năng chưa đáp ứng yêu cầu công việc -cùng với những yêu cầu nói trên- nên cơ hội tìm được chỗ việc làm phù hợp cho các đối tượng này không dễ dàng.
Muốn như thế, kỹ năng của người lao động chỉ hình thành và phát triển trong quá trình học tập, tham gia thực hành tại cơ sở thực hành hoặc tại các doanh nghiệp. Đồng thời, người sử dụng lao động cũng phải chấp nhận việc đào tạo giai đoạn đối với những vị trí cần thiết của đơn vị. Trong lúc đó, bản thân người lao động rất cần được tiếp xúc sớm hơn với các doanh nghiệp để hình thành kỹ năng cũng như có cơ hội tìm chuyển việc làm thích hợp. Thực tế, qua CVL lần này, có thể thấy được, thị trường lao động Đà Nẵng hiện nay đang rất “khát” lao động phổ thông các ngành dệt may và chế biến thủy sản.
Từ CVL lần này, có thể khẳng định, thị trường lao động đã nhận thấy những bất cập cần được điều chỉnh và CVL thực sự chắp nối cho cả người lao động lẫn người sử dụng lao động để có thể đáp ứng những yêu cầu từ mỗi phía. Cũng qua đó, người lao động sẽ tự có những đánh giá chính xác về năng lực của mình để có sự chuyển đổi về nhận thức phù hợp với thị trường lao động của thành phố.
Nguyên An
Bình luận (0)