Ca sĩ và tệ lạm dụng công nghệ phòng thu

28/07/2006 22:31 GMT+7

Nếu trước đây, một ca sĩ thực hiện album khi giọng hát của mình đã "đủ độ" và được biết đến nhiều - có một quá trình dùi mài tập luyện trên sân khấu, thì bây giờ album ra đời như một cách tiếp thị để thị trường biết đó là ca sĩ nào. Có người chưa từng đi hát, hay chỉ xuất hiện 1-2 lần nhưng đã có album. Những giọng ca non yếu, chưa đủ tự tin này đã mượn kỹ thuật hiện đại của phòng thu ngày nay để hỗ trợ cho nghề ca hát của mình.

Khởi nghiệp nhờ công nghệ phòng thu

Chưa bao giờ "mật độ" ca sĩ lại dày đặc như hiện nay, nhiều đến nỗi ngay cả người trong nghề đôi khi không biết đồng nghiệp nào đang đứng trên sân khấu, còn người  ngoài cuộc thì ngao ngán, không cần quan tâm và tìm hiểu xem gương mặt mới này là ai. Có vẻ như ca hát đang là một sân chơi đầy hấp lực đối với những người trẻ sở hữu chút năng khiếu âm nhạc. Nhưng, cũng vì muốn tiến nhanh đến danh vọng, trong khi khả năng của mình chưa tới, không ít người đã tìm đến phòng thu, lạm dụng kỹ thuật xử lý âm thanh để chỉnh sửa - nâng chất lượng sản phẩm âm nhạc của mình.

Theo anh Nam Tùng (phòng thu TKĐ), "những nhược điểm như: yếu hơi, hát phô... sẽ có phần mềm xử lý, biên tập lại để làm đầy, hoặc làm mềm giọng hát; thậm chí có thể chỉnh sửa từng chữ, từng nốt một". Anh cho biết thêm, không ít ca sĩ khi thu xong đoạn A, thấy "ok" và ngại hát lại (sợ không hay bằng, hoặc tốn thời gian) nên yêu cầu người thu copy nó vào đoạn B, rồi chỉ hát thêm phần điệp khúc là xong. Như vậy, vô tình, kỹ thuật phòng thu đang bị nhiều ca sĩ  vin vào để làm "chiếc bùa hộ mệnh” - cũng là chiếc vé để bước vào thị trường ca nhạc. Đến khi biểu diễn trên sân khấu, để đảm bảo chất giọng y như trong album, họ không có lựa chọn nào khác ngoài lip-sync. Cũng khó mà trách được, vì một khi thị trường âm nhạc - với không ít khán giả còn chuộng hình thức, thiếu khắt khe với nạn hát nhép (đa số chương trình ca nhạc truyền hình trực tiếp hoặc phát lại trên truyền hình đều du di cho ca sĩ nhằm đảm bảo chất lượng âm thanh) thì những ca sĩ lợi dụng công nghệ phòng thu và chút bề ngoài của mình làm hành trang khởi nghiệp vẫn còn. Và hiện nay tình trạng bị lừa gạt - khán giả tốn tiền nhưng chỉ được xem biểu diễn... hình thức - xem ra đang rất phổ biến trong đời sống ca nhạc.

Lạm dụng kỹ thuật, nghệ thuật chóng tàn

Trước đây, người trong nghề, giới ca sĩ chỉ quen với những cái tên phòng thu: Trần Thanh Tùng, Quốc Dũng, Kim Lợi, Viết Tân, Việt Hùng, thì ngày nay cùng với sự xuất hiện rầm rộ của những người đi hát, phòng thu cũng phát triển và hoạt động nhộn nhịp không kém. Thế nhưng không phải phòng thu nào cũng tạo điều kiện, dung túng cho những kiểu ca hát xổi thì, chiều theo những yêu cầu phi nghệ thuật của ca sĩ. Đề cập vấn đề này, ông Viết Tân (phòng thu Viết Tân) cho biết: "Nhiệm vụ của phòng thu là làm cho sản phẩm đẹp và tốt. Muốn được như vậy, giọng hát trước hết phải hay đã, nghĩa là ca sĩ phải có nền tảng nhất định. Dù vậy, đôi khi cũng có những bài mình lo không tốt được vì người hát quá kém, không thể tạo cho người mix cảm hứng, hứng thú khi mix. Với tôi, làm nghệ thuật không thể thiếu cảm xúc. Phòng thu có phần mềm hỗ trợ - sửa chữa khuyết điểm nhưng chúng tôi không lạm dụng nó mà buộc ca sĩ phải cố gắng. Bởi, nếu máy móc tham gia quá nhiều, khi nghe lại, có thể người ngoài khó nhận biết nhưng trong giới thì dễ dàng phát hiện, điều đó chỉ làm ca sĩ xấu hổ mà thôi". Anh Hữu Minh (phòng thu Kim Lợi) cũng thẳng thắn: "Mọi người trong nghề đùa: Hữu Minh chỉ làm cho "gà" của Kim Lợi, tôi không phủ nhận điều này. Có không ít ca sĩ đến phòng thu chúng tôi, nhưng rồi một đi không trở lại, vì sản phẩm không như ý muốn. Kim Lợi chỉ phục vụ cho những giọng ca đủ lực, và người mix cũng chỉ góp phần cộng hưởng để hoàn thiện giọng ca đó".

Cũng như các lĩnh vực khác, dễ nhận thấy rằng đi kèm với mặt tích cực của công nghệ hiện đại luôn là những nhược điểm phát sinh, nếu người sử dụng cứ áp dụng một cách máy móc. Còn ca sĩ, khi đã quen ỷ lại, dựa vào ưu thế phòng thu để làm đôi cánh cho giọng hát của mình, kéo theo việc quên và lười tập luyện, trau dồi, không sớm thì muộn giọng hát ấy cũng bị đào thải. 

Ca sĩ Thanh Thảo: "Trong những giờ thu của Thảo, Phương Uyên luôn có mặt để giúp Thảo xử lý bài hát chuẩn hơn, sáng tạo hơn. Thêm một "tai nghe" nữa trong quá trình thu tất nhiên sẽ tốt hơn cảm nhận của riêng mình. Sự khắt khe của Phương Uyên cũng khiến cho Thảo khó tính và kỹ lưỡng hơn trong từng chữ, từng câu hát. Không biết người khác thế nào, riêng Thảo, cũng như những giọng hát đã định hình được phong cách thì rất sợ bị xử lý nhiều, sợ giọng hát của mình bị kỹ thuật phòng thu làm cho hay một cách khác đi".

Chị Kim Sa (phòng thu nhạc của Đài truyền hình TP.HCM): "Nghe những giọng hát có sự tham gia quá nhiều của kỹ thuật, độ trung thực và vẻ tự nhiên của nó không còn nữa. Nếu tình trạng ca sĩ cứ lười trau dồi khả năng thanh nhạc, những sản phẩm âm nhạc cứ được tung ra thị trường với chất lượng ảo kéo dài, thì không biết đến khi nào nền âm nhạc của chúng ta mới phát triển với nội lực thực sự”.

Nguyên Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.