Sẽ chấm dứt gian lận thi cử, bệnh thành tích và lối truyền đạt “thầy đọc, trò chép”

31/07/2006 23:24 GMT+7

Tìm biện pháp để loại bỏ tiêu cực trong thi cử là vấn đề được quan tâm nhất tại hội nghị tổng kết năm học 2005-2006 và triển khai phương hướng năm học mới của Bộ GD-ĐT diễn ra ngày hôm qua 31/7 tại TP.HCM.

Năm học 2006-2007, hội nghị đã chọn việc tổ chức cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" là khâu đột phá để toàn ngành GD-ĐT phá vỡ các vòng tiêu cực luẩn quẩn đang tồn tại, tạo nên những bước phát triển mới. Để thực hiện cuộc vận động trên, một số giải pháp đã được đưa ra rất tích cực.

Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng mô hình tổ chức thi, kiểm tra phù hợp với từng cơ sở giáo dục để bảo đảm kết quả khách quan và chính xác; đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá học sinh và đánh giá kết quả giáo dục (áp dụng các tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục, tổ chức dự giờ đánh giá giữa các giáo viên với nhau trên cơ sở các tiêu chí đánh giá khoa học), xây dựng hệ thống tiêu chí thi đua và xác lập cách đánh giá kết quả thi đua mang tính khoa học, khả thi (dễ làm, dễ kiểm tra), loại trừ bệnh thành tích, phù hợp với từng cấp học và từng vùng miền. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng có chương trình đối thoại định kỳ về GD-ĐT hàng tháng trên đài truyền hình trung ương, tăng cường tiếp xúc với các cơ quan truyền thông, và yêu cầu các cấp địa phương cũng thực hiện như thế trong địa bàn của mình.


Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân (bìa phải) tham quan các mẫu đồ dùng dạy học dùng cho năm học mới trưng bày tại hội nghị (ảnh: N.Q)

Về các nhiệm vụ cụ thể, các cấp quản lý giáo dục được yêu cầu phải tăng cường chỉ đạo áp dụng các phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, sáng tạo, chủ động của học sinh, khắc phục kiểu truyền thụ một chiều. Hạn chế và sớm chấm dứt việc phải thi tốt nghiệp môn khác thay thế môn ngoại ngữ, khẩn trương phủ kín việc dạy ngoại ngữ cho các trường THCS và THPT. Riêng đối với môn Tiếng Anh và Tiếng Nga, từ năm học 2007-2008, học sinh THPT đều phải học theo chương trình 7 năm.

Trong năm học tới,  Bộ sẽ tổ chức để tất cả các giám đốc Sở GD-ĐT đi một số nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới học tập kinh nghiệm, vận dụng vào VN. Bộ khuyến khích các nhà khoa học, nhà giáo, nhà sư phạm... tìm hiểu, dịch tài liệu về chiến lược giáo dục của các nước, tư vấn cho Bộ về chiến lược phát triển giáo dục. Tại hội nghị, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ có thêm kinh phí cho ngành, tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho giáo viên và sớm quyết định mức học phí phù hợp vì khó có chất lượng giáo dục cao khi các điều kiện hoạt động không bảo đảm.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị ngoài "hai không" (không tiêu cực và không bệnh thành tích), các đơn vị nào có thể chủ động đột phá thêm "không thứ 3" là không "thầy đọc, trò chép"! Trước đó, bộ trưởng cũng đã có thư gửi các cơ quan báo chí, trong đó có Thanh Niên, cảm ơn sự hợp tác hiệu quả trong thời gian qua và mong muốn báo chí góp sức cùng ngành giáo dục trong cuộc vận động này.

Toàn thể đại biểu hội nghị đã cùng ký vào bức thư gửi Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch quốc hội cam kết không chấp nhận tiếp tay cho gian lận thi cử, không chấp nhận bệnh chạy theo thành tích trong đánh giá các cơ sở GD-ĐT, đánh giá ngành GD-ĐT các tỉnh thành và đánh giá giáo viên. Thư cam kết thiết tha đề nghị các cấp lãnh đạo bằng quyền hạn của mình động viên toàn xã hội và chỉ đạo chủ tịch UBND các tỉnh, thành, các bộ trưởng ủng hộ ngành GD-ĐT cả nước triển khai cuộc vận động nói trên. Nếu được như vậy, điểm số kết quả thi ở nhiều trường, nhiều tỉnh, thành trong năm học 2006-2007 chắc chắn sẽ thấp hơn điểm số kết quả thi của các năm học trước.

N.Q

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.