Giữ thị trường nội địa

01/08/2006 00:45 GMT+7

Đi tìm mặt bằng để mở trung tâm thương mại, ông Nguyễn Đức Lễ, Giám đốc Citi Plaza buồn bã nhận ra, mặt bằng không thiếu nhưng các nhà phân phối VN vẫn gặp khó khăn bởi tâm lý hết sức đáng lo ngại của không ít người dân là "đợi cho nước ngoài thuê mới được giá cao".

Biết bao bà nội trợ "mù tịt" về WTO nhưng mong muốn được xách giỏ lựa đồ trong Walmart; Carrefour... khi nghe tin các đại gia này đang chuẩn bị mở siêu thị ở VN. Trong lĩnh vực thời trang, tâm lý "sính" hàng ngoại còn sâu đậm hơn rất nhiều. Ngoài những thương hiệu nổi tiếng của Mỹ, Pháp, Ý... dành cho giới có tiền thì ngay cả những người có thu nhập thấp cũng sính ngoại theo cách "thời trang không cần bền, xài vài tháng rồi vứt bỏ, mua cái khác". Tâm lý này đã tạo ra một "kênh" để hàng Trung Quốc với chất lượng kém vẫn làm mưa làm gió tại VN trong rất nhiều năm qua. Điều này cũng lý giải vì sao cùng một chiếc áo sơ mi mẫu mã giống nhau, màu sắc như nhau với chất liệu khác biệt không đáng kể nhưng nếu mang nhãn hiệu An Phước thì giá chỉ  khoảng 200.000 đồng, còn nếu đó là thương hiệu Pierre Cardin thì giá lên tới trên 500.000 đồng mặc dù cả 2 cùng được sản xuất bởi một doanh nghiệp (DN). Theo các DN VN, tâm lý chuộng hàng ngoại tại thị trường nội địa đang là cản trở lớn nhất trong việc giữ thị phần của các nhà sản xuất trong nước. Làm thế nào để dấy lên phong trào "người VN dùng hàng VN", làm thế nào để chinh phục người tiêu dùng nội địa đang là vấn đề làm đau đầu các DN. Tâm lý chuộng hàng ngoại đã tồn tại khá lâu trong ý thức người tiêu dùng nên việc hướng họ qua sử dụng hàng trong nước không hề đơn giản. Nhưng đây là việc mà các DN phải làm ngay là không phải không thể làm được. Bà Nguyễn Thị Hồng Hương, Giám đốc hệ thống siêu thị Vinatex kể, khi triển khai hệ thống cửa hàng thời trang Vinatex, rất nhiều người cho rằng khó thành công vì tâm lý sính hàng ngoại của đại bộ phận người tiêu dùng hiện nay. Tuy nhiên, với suy nghĩ, quần áo của các thương hiệu như May 10, May Nhà Bè, Việt Tiến, An Phước... chất lượng cao, kiểu dáng đẹp, có thể "mang chuông đi đánh khắp thế giới" thì không có lý gì không chinh phục được người tiêu dùng trong nước. Bà Hương đã âm thầm tiến hành một cuộc điều tra và kết quả cho thấy, người tiêu dùng không mặn mà với hàng nội xuất phát từ việc nhiều shop bán quần áo thời trang lấy hàng Trung Quốc, lấy hàng bị lỗi gắn thương hiệu nội vào bán trong một thời gian dài đã làm mất uy tín với người tiêu dùng. Từ đó, bà Hương đặt ra yêu cầu kiên quyết đối với chuỗi cửa hàng thời trang của Vinatex là chỉ bán hàng công ty chính hiệu. Cho đến nay, các cửa hàng thời trang của Vinatex đang hoạt động rất hiệu quả, có cửa hàng ở Hà Nội doanh thu mỗi tháng lên tới 200 triệu đồng. Bà Hương kết luận, nếu hàng VN chất lượng tốt, biết quảng bá, phong cách phục vụ chuyên nghiệp thì sẽ chinh phục được người tiêu dùng nội địa.

Với hơn 83 triệu dân, thị trường nội địa rất quan trọng đối với các nhà phân phối, sản xuất VN. Chính thị trường nội địa đã cứu các hộ nuôi cá tra, cá basa ở An Giang khi bị Mỹ kiện chống bán phá giá sản phẩm này. Trong khi cả thế giới đang nhòm ngó thị trường nội địa VN, không lẽ chúng ta lại bình thản để khó nhọc mang chuông đi đánh xứ người? Vì vậy, hãy chinh phục người tiêu dùng nội địa để giữ lấy thị trường trong nước trước khi các DN nước ngoài kịp làm việc này là lời khuyên mà các chuyên gia kinh tế dành cho các DN VN.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.