Chuyện nghệ sĩ cải lương "bay show" nước ngoài

03/08/2006 20:45 GMT+7

Nhiều năm nay, nghệ sĩ Việt Nam đi nước ngoài biểu diễn như... đi chợ. Rất thoải mái, rất xôm tụ. Và đặc biệt, trong đó có khá đông nghệ sĩ cải lương. Nói gì thì nói, cải lương vẫn là một loại hình nghệ thuật dân tộc được trân trọng, yêu mến đối với những người xa xứ, mà hài và ca nhạc không bao giờ thay thế được.

Không có một show diễn nào mà thiếu tiết mục cải lương. Cho nên, hầu hết nghệ sĩ cải lương nổi tiếng đều được mời đi show. Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Minh Vương, Minh Cảnh, Thanh Tòng, Bảo Quốc, Kim Tiểu Long, Kim Tử Long, Thanh Thanh Tâm, Vũ Linh, Thoại Mỹ, Hồng Nga, Ngọc Giàu... gần như năm nào cũng đi, có người đi đến mấy lần. Những người giờ đã định cư nước ngoài như Phương Hồng Thủy, Tài Linh, Chí Tâm thì chờ các bạn Việt Nam qua diễn chung, chứ không bỏ nghề. Bởi bà con Việt kiều chưa bao giờ bỏ cải lương!

"Tôi nghĩ, đi show nước ngoài không chỉ với mục đích kiếm tiền, mà phải đặt vấn đề văn hóa lên hàng đầu, coi đó là một cách giới thiệu đất nước mình một cách tự hào và trân trọng. Vì vậy, nghệ sĩ càng phải diễn công phu và nghiêm túc. Hiện nay các bầu show ở Mỹ đang nghiên cứu để hát nguyên tuồng trang trọng. Thú vị nhất là tại California, 2 ngày cuối tuần đều có diễn cải lương, mà có tới 3 điểm diễn nữa kia, trong khi tại Sài Gòn mình hầu như chỉ có mỗi rạp Hưng Đạo" - NSƯT Bảo Quốc

"Nên chú ý vào khán giả trẻ, bởi sau khi lớp khán giả lớn tuổi qua đời thì chính người trẻ sẽ giữ lại cải lương, giữ lại cái hồn Việt nơi đất khách. Nếu có điều kiện thì mỗi nghệ sĩ cứ trao truyền ngọn lửa cho các em, gần gũi, giao lưu, có vậy các em càng thâm nhập và yêu mến cải lương" - Minh Vương

NSƯT Bảo Quốc ở trong nước cứ được gọi là "danh hài" nhưng ra nước ngoài thì lại hát cải lương liên tục mới lạ chứ! Cái gốc Thanh Minh - Thanh Nga của anh tới bây giờ vẫn còn được ái mộ. Anh ca vẫn còn "hơi hám" dữ lắm, cộng với duyên hài, nên bà con rất khoái. Bảo Quốc đi Pháp và Úc nhiều nhất, và anh diễn nguyên tuồng với các bạn chứ không phải trích đoạn như bên Mỹ, vậy mới "sướng". Nào Ngai vàng và tội ác, Giũ áo bụi đời, Không bán tình em, Chuyện tình An Lộc Sơn, Con gái chị Hằng, Nửa đời hương phấn... Cải lương mà hát nguyên tuồng thì mới đích thực là "thánh đường". Sân khấu im phăng phắc lắng nghe từng câu ca tiếng đờn. Khán giả nhập tâm đến nỗi xảy ra những tình huống không biết nên khóc hay cười. Một lần, Bảo Quốc đóng vai cha của cô Hương trong Nửa đời hương phấn, đoạn ông mắng chửi và đuổi Hương đi, thì có một bà má dưới khán phòng đứng dậy năn nỉ: "Trời ơi, cô Hương hổng phải như vậy đâu, tụi tui coi dưới này tụi tui biết mà! Tại ông hổng hiểu cổ, cổ có hoàn cảnh tội nghiệp lắm. Tha cho cổ đi ông Bảo Quốc ơi!". Lúc đó Bảo Quốc mắc cười muốn chết mà ráng nín để ca tiếp, không thôi... bể show! Lần khác, trong vở Con gái chị Hằng, lúc nhân vật nữ chính từ trần thì đứa con của cô ta về tới, một khán giả chợt la lên: "Nó về rồi kìa, sống dậy đi cô Út ơi!". Diễn viên hết cả hồn, ráng nhịn cười nhắm mắt tiếp tục... chết! Vậy đó, tình cảm của khán giả đối với cải lương vẫn chân chất thiệt thà y như ngày nào còn ở Việt Nam, không hề bị đời sống công nghiệp làm phai nhạt đi. Tan hát, họ vẫn đứng chờ ngoài cửa rạp để ôm hôn, hoặc cầm tay, chụp hình, xin chữ ký, thậm chí khóc vì quá thương nghệ sĩ.


NSƯT Bạch Tuyết trong vở Kiều Nguyệt Nga. Ảnh: C.T.V

Minh Vương thì chuyên ca lẻ vì anh có giọng ca vàng, và khán giả vẫn yêu cầu những tác phẩm để đời của anh như bài vọng cổ Bánh bông lan, hoặc trích đoạn Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt. Minh Vương còn có những kỷ niệm độc đáo mà chính anh nhớ lại vẫn còn giật mình. Một lần, anh xuống sân bay nhưng quên mất địa chỉ nơi tới, không thể ghi vào hồ sơ. Mọi người đã đi hết, phòng hải quan vắng ngắt chỉ còn duy nhất mình anh bị kẹt lại. Bí quá, anh liều moi ra cái vốn tiếng Anh học từ năm 1984: "I am a famous actor of Vietnam". Anh chàng hải quan trố mắt, và nói lại một tràng tiếng Anh. Minh Vương hoảng hồn, chỉ đoán được là anh ta người Philippines và rất thích âm nhạc. Chưa kịp định thần thì anh ta hát ngay một khúc dân ca. Minh Vương làm tới luôn, chỉ vô cổ, nói bằng tiếng Việt cho... lẹ: "Tui ca vọng cổ cho ông nghe!". Rồi anh lấy trích đoạn Tô Ánh Nguyệt làm một hơi: "Anh đang cúi đầu chờ ân huệ, em rộng lòng tha thứ cho anh...". Ba, bốn ông hải quan xúm lại nghe, vỗ tay rần rần, và cho anh qua cửa. Ra tới bên ngoài anh mới gặp được người thân đứng đón. Hú vía, không nhờ cải lương là bị quay trở về rồi. Anh cười: "Nghệ thuật quả là không biên giới!".

Cảm động nhất là khi bay show nước ngoài, nghệ sĩ phát hiện rằng thế hệ trẻ Việt kiều đang quay trở lại với truyền thống dân tộc. Minh Vương trong một buổi tiệc sinh nhật đã suýt rơi nước mắt khi thấy hai, ba cậu "Mỹ lai Việt" lên hát vọng cổ bằng cái giọng lơ lớ nhưng tràn ngập yêu thương. Bạch Tuyết lại càng kinh ngạc khi chứng kiến một nhóm thanh niên trên dưới 30 tuổi, ra nước ngoài từ khi còn rất nhỏ, vậy mà xúm lại diễn nguyên tuồng Kiều Nguyệt Nga. Một thanh niên khác, là trưởng nhóm nhạc rock đang hái ra tiền, mà đứng trong hậu trường say sưa nhìn Thái hậu Dương Vân Nga, rồi nói: "Cô ơi, con muốn học bài Tứ đại oán, cô dạy cho con được không?". Đó là một bài bản lớn khó ca, chưa chắc thanh niên trong nước học nổi, vậy mà cậu ta lại đòi học, và ca được mới lạ! Cậu ưu tư: "Con sang đây từ hồi 10 tuổi, giờ con muốn hiểu biết về văn hóa Việt Nam để có thể nói chuyện đường hoàng với một nền văn hóa khác". Câu nói này có lẽ làm giật mình cả những người trẻ trong nước, khi họ đang thờ ơ với văn hóa dân tộc.

H.K

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.