Một đại dương mới đang hình thành

04/08/2006 11:21 GMT+7

Theo dự đoán của các nhà khoa học thì trong vòng vài triệu năm nữa một khe hở dài khoảng 60km tại thung lũng Afar (thuộc hai nước Ethiopia và Eritrea) có thể trở thành một đại dương mới ở châu Phi.

Tháng 9/2005, khu vực thung lũng Afar đã trải qua một trận động đất kèm theo hàng trăm chấn động cùng với hiện tượng núi lửa hoạt động trên diện rộng đã tạo một vết nứt dài và mỏng trên bề mặt Trái Đất. Vết nứt này là kết quả của một chuyển động kiến tạo xảy ra dưới lòng đất ở độ sâu 5km.

Để phân tích chuyển động này, các nhà địa chất học đã lần đầu tiên sử dụng các dữ liệu do vệ tinh ENVISAT thuộc Cơ quan không gian châu u (ESA) cung cấp. Từ các dữ liệu trên các nhà khoa học nhận thấy sự có mặt của magma - khối nhão từ đá núi lửa - tích tụ dưới lòng đất sâu từ 2 đến 9km. Thay vì trào ngược lên mặt đất và có thể bị phun ra bởi các núi lửa Gabho hay Dabbahu, khối magma này đã di chuyển về hướng Bắc Nam, "đào" một mạch dưới lòng đất với chiều dài khoảng 60km.

Mạch magma này là nguyên nhân gây sức căng giữa các mảng kiến tạo làm xuất hiện vết nứt. Theo Giáo sư Tim Wright thuộc trường đại học Leeds, hiện tượng diễn ra ở thung lũng Afar sẽ tăng dần và đến một ngày nào đó nước biển sẽ tràn vào khe hở và nối đường nứt với Biển Đỏ vì vậy khoảng một triệu năm sau, một đại dương mới sẽ được hình thành.

Theo Sciences & Avenir, HTV

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.