Điều trị bệnh động kinh: Phải có bác sĩ theo dõi

08/08/2006 16:29 GMT+7

Hỏi: Tôi năm nay 30 tuổi và đang bị bệnh động kinh. Thỉnh thoảng cứ 3 - 4 tháng lại lên cơn một lần. Mong bác sĩ tư vấn giùm cách điều trị. (Phan Thanh Ngọc - TX Hà Tĩnh)

Đáp: Động kinh hoặc co giật được định nghĩa là rối loạn đột ngột trong hoạt động của vỏ não, biểu hiện bằng các triệu chứng vận động, cảm giác hoặc hành vi… Thuật ngữ động kinh dùng để mô tả các cơn hay tái phát sau hàng tháng, hàng năm theo một khuôn hình giống nhau. Có nhiều loại động kinh:
 
- Đông kinh cục bộ đơn giản.
- Đông kinh cục bộ phức tạp.
- Động kinh cơn lớn.
- Động kinh cơn nhỏ.
- Rung giật cơ.
- Vô trương và bất động.

Hoặc trong thực tế, người ta còn phân chia động kinh theo nguyên nhân:

- Động kinh nguyên phát (động kinh vô căn) tức không tìm thấy tổn thương thực thể của não trong tiền sử cũng như hiện tại bằng các phương pháp thăm khám hiện có.

- Động kinh triệu chứng (thứ phát) là trường hợp có các tổn thương thực thể ở não, một số trường hợp động kinh là di chứng của chấn thương sọ não, u não, tai biến mạch máu não, nhiễm khuẩn hay do rối loạn chuyển hóa như hạ đường huyết, hạ canxi huyết, thiếu vitamin B6, rối loạn nước điện giải, ngộ độc... Một số tác giả còn đặt vấn đề động kinh liên quan đến di truyền.

Về điều trị: Việc điều trị chứng bệnh này khá phức tạp, phải căn cứ theo từng thể loại, trạng thái của động kinh. Trong trường hợp động kinh có co giật toàn bộ, tái phát liên tục, mất ý thức, bất tỉnh (có thể ngã bất cứ lúc nào, chỗ nào gây nguy hiểm tính mạng của bệnh nhân) thì cần phải được điều trị cấp cứu trong bệnh viện nhằm duy trì các chức năng sống còn, tìm và giải quyết nguyên nhân của trạng thái động kinh, điều trị và ngăn ngừa các biến chứng do động kinh loại này gây nên với nguyên tắc tìm mọi cách cắt cơn càng nhanh càng tốt, chống phù não, hồi sức tim mạch…

Điều trị các cơn động kinh khác cần theo nguyên tắc chẩn đoán đúng loại cơn, chọn đúng thuốc đặc trị, liều lượng thuốc phải đạt dần tới liều tác dụng, không được cắt thuốc đột ngột mà thay thế dần bằng thuốc khác, giảm dần liều thuốc cho tới khi không có cơn trên lâm sàng và nếu không còn cơn trên điện não đồ thì càng tốt.

Nói tóm lại việc điều trị động kinh có 2 loại: loại phải điều trị cấp cứu là trạng thái động kinh hay động kinh cơn lớn rất phức tạp nhất thiết phải được điều trị trong bệnh viện; còn các loại động kinh khác cũng phải điều trị theo nguyên tắc và phải được giám sát bởi thầy thuốc chuyên khoa bởi các tác dụng phụ của thuốc cũng như những biến chuyển bất thường của các cơn động kinh. Do vậy, bạn nên đi khám chuyên khoa nội thần kinh để xác định loại động kinh cũng như đo điện não để tầm soát bệnh này đồng thời phải có sự theo dõi thường xuyên của các thầy thuốc chuyên khoa.

BS Bạch Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.