Gia nhập WTO: Thách thức cho ngành chăn nuôi trong nước

07/08/2006 14:39 GMT+7

Khi Việt Nam gia nhập WTO, nhiều chuyên gia nhận định thách thức ngành nông nghiệp là quá lớn so với cơ hội mang lại. Nếu đi sâu vào từng lĩnh vực nông nghiệp thì chăn nuôi chính là điểm yếu nhất.

Nguy cơ mất dần thị trường trong nước

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vang, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, dù tốc độ chăn nuôi bình quân trong giai đoạn 2000-2005 cả nước đạt cao hơn trồng trọt, lên đến 9,8%/năm, nhưng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu chung của ngành nông nghiệp vẫn thấp hơn so với trồng trọt.

Nhìn vào 2 mặt hàng chiến lược của ngành chăn nuôi là thịt bò và thịt heo, có thể thấy rõ những điểm yếu này. Chăn nuôi heo dù có những bước cải thiện, tiếp cận với công nghệ của thế giới, năng suất có tăng lên, nhưng nhìn chung vẫn còn thấp hơn so với khu vực.

Năng suất nái ngoại nuôi trong nước đạt chỉ 80% - 85% so với con giống nuôi tại chính quốc. Lượng xuất chuồng bình quân của heo chỉ hơn 63 kg/con (Trung Quốc đạt 80-90 kg/con).

Chăn nuôi bò thịt trong nước chủ yếu là tận dụng thức ăn, đồng cỏ ven bờ với 90% bò thịt nuôi ở từng hộ nhỏ lẻ. Ở đây chưa nói đến điểm yếu của chăn nuôi trong vài năm nay là dịch bệnh bùng phát rất mạnh, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển chăn nuôi như dịch cúm gia cầm H5N1 và dịch bệnh lở mồm long móng.

Nhìn tổng thể về chăn nuôi, dù gia súc hay gia cầm thì đặc điểm chung cả nước vẫn là nuôi phân tán, chủ yếu lấy công làm lời, chưa phải là một nền chăn nuôi chuyên nghiệp, quy mô lớn để giảm giá thành, tăng mức cạnh tranh trên thị trường.

Việt Nam có thế mạnh về trồng trọt, là một trong những quốc gia hàng đầu xuất khẩu gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều… nhưng cây trồng làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi như bắp, đậu nành… lại rất thiếu, phải nhập khẩu. Hầu hết giá những nguyên liệu này đều cao, giá bắp trồng trong nước lên đến 160 USD/tấn, nếu nhập khẩu bắp từ Mỹ chỉ 135-145 USD/tấn, nên chi phí đầu vào của chăn nuôi cao hơn so với khu vực từ 10%-20%, nếu so với thế giới con số này lên đến 20%-25%.

Với những bất lợi này và sắp tới, khi mức thuế nhập khẩu thịt gia súc và gia cầm phải giảm theo cam kết gia nhập WTO thì ngay cả thị trường trong nước cũng sẽ bị cạnh tranh gay gắt trước những sản phẩm ngoại nhập, dẫn đến hệ quả mất dần thị phần. Đây là nguy cơ thấy trước.

Thua về an toàn vệ sinh thực phẩm

Trong quá khứ Việt Nam từng xuất khẩu thịt heo sang Nga, Trung Quốc (Hongkong). Tháng 4 vừa qua, Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu 1.000 tấn thịt heo (mảnh và nạc) sang Nga, nhưng do Việt Nam bị dịch bệnh lở mồm long móng nên phải dừng hợp đồng. Một khi dịch bệnh được giải quyết căn cơ thì Nga vẫn là thị trường tiềm năng.

Ngay cả thị trường Trung Quốc (Hongkong) cũng có thể xuất khẩu heo sữa và heo choai đông lạnh. Nhưng, Tổng Công ty Chăn nuôi VN nhận định, khó khăn của việc xuất khẩu thịt gia súc không chỉ vì giá thành cao mà còn do chúng ta chưa có đầy đủ các điều kiện cơ bản về cơ sở chăn nuôi tập trung, trong lúc đa số cơ sở giết mổ chưa đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Thiện, nguyên Viện trưởng Viện Chăn nuôi - Thú y, chỉ ra rằng: để tránh những thua thiệt do những cái yếu này, chúng ta cần phải nhanh chóng xây dựng những vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) công nhận.

Ai cũng biết Thái Lan là một trong những quốc gia bị cúm gia cầm, nhưng Thái Lan vẫn là quốc gia xuất khẩu thịt gia cầm hàng đầu nhờ có vùng an toàn dịch bệnh đã được OIE công nhận. Và điều cần tiến hành nhanh là việc đàm phán với các nước để ký kết các hiệp định về vệ sinh thú y. Đây chính là những điều kiện quan trọng để tính tới chiến lược xuất khẩu, không chỉ cho giai đoạn trước mắt 2006-2010 mà còn lâu dài về sau.

Có thể giảm thiểu bất lợi?

Một trong những vấn đề cơ bản là phải phát triển ngành chăn nuôi theo hướng tập trung ở quy mô trang trại, đảm bảo chất lượng hàng hóa cao. Vùng chăn nuôi với lợi thế diện tích rộng, có nhiều đồng cỏ phù hợp với chăn nuôi gia súc và gia cầm là Tây Nguyên, một số tỉnh vùng Đông Nam bộ như Bình Phước… và vùng duyên hải Trung bộ (nếu có giải pháp giải quyết nguồn nước vào mùa khô).

Về thực lực, các nhà khoa học chuyên sâu trong nước đủ khả năng giải quyết vấn đề giống, lai tạo ra con giống phù hợp. Nhưng thực tế hiện nay 65% bò thịt trong nước là giống bò vàng (năng suất kém), chỉ khoảng 30% là bò lai Sind. Vấn đề chính đặt ra là Nhà nước phải có chính sách và cơ chế cụ thể, phù hợp để tạo điều kiện cho việc hình thành các trang trại quy mô lớn làm hạt nhân ở những khu vực này.

Trong nước hiện còn có 90% hộ tham gia chăn nuôi là những hộ nhỏ lẻ, vì vậy không thể bỏ qua lực lượng này. Theo Thạc sĩ Vương Ngọc Long (Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam), vấn đề là biết tận dụng và biến yếu tố nhỏ lẻ này thành lợi thế. Khi vào WTO, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là nông dân, nếu họ không biết cách tận dụng các cơ hội về công nghệ, kỹ thuật, phương thức sản xuất, con giống… và biết khai thác những lợi thế riêng có để giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra.

Bài học kinh nghiệm này có tại nước Mỹ: ở vùng nuôi chuyên canh bò thịt bang Oklahoma, các hộ nuôi bò được chia theo nhóm nhỏ (gọi là vệ tinh) và liên kết với nhau trong một hệ thống khép kín liên hoàn như nhóm nuôi bò cái lai Sind, nhóm nuôi thịt cho đến xuất chuồng và nhóm chuyên vỗ béo trước khi giết mổ. Bằng hình thức này, việc quay vòng đồng vốn sẽ nhanh hơn và quan trọng hơn là các hộ nuôi nhỏ đều có thể tham gia vào hệ thống chăn nuôi này.

Như vậy, vấn đề đặt ra không chỉ là Nhà nước có cơ chế phù hợp trong khuôn khổ WTO để thúc đẩy chăn nuôi tập trung phát triển mà còn tổ chức cho người nông dân biết liên kết trong sản xuất để tạo nguồn hàng hóa dồi dào. Bộ NN-PTNT ngoài việc ký kết các hiệp định về an toàn vệ sinh thực phẩm với các nước, cần đầu tư mạnh vào các dự án về giống phục vụ các chương trình chăn nuôi.

Để ngành chăn nuôi cạnh tranh được trên thị trường thế giới, theo một số chuyên gia, chúng ta phải tổ chức lại sản xuất để hạ giá thành sản phẩm. Có nhiều yếu tố để hạ giá thành, trước hết phải có giống tốt, trong đó phải tạo điều kiện liên kết những người chăn nuôi để tạo cho được hệ thống giống này. Hai là giảm giá thức ăn chăn nuôi xuống.

Hiện nay mỗi năm cả nước nhập khẩu trên 400 triệu USD thức ăn chăn nuôi. Do vậy, phải tổ chức sản xuất bắp, ngô, đậu nành… đủ nhu cầu chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước để thay thế nguyên liệu nhập khẩu. Ngay cả hệ thống thuế cũng cần được xem xét lại.

Hiện nay, vẫn đánh thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với sản xuất thức ăn chăn nuôi và một số nguyên liệu nhập khẩu. Kinh nghiệm một số nước cho thấy, để giúp nông dân có được việc làm ổn định trong sản xuất nông nghiệp, Nhà nước bỏ thuế để giúp chi phí thức ăn chăn nuôi giảm xuống. Được như vậy chúng ta mới có thể nói đến cạnh tranh.

Theo Công Phiên/báo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.