ĐBQH chuyên trách thảo luận về dự án Luật Dạy nghề: Quy định rõ hơn về vấn đề liên thông trong đào tạo

12/08/2006 23:37 GMT+7

Ngày 12.8, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách góp ý cho nội dung dự thảo Luật Dạy nghề (dự kiến được trình QH thông qua vào kỳ họp cuối năm nay), nhiều đại biểu đã góp ý kiến về chính sách liên thông trong đào tạo.

Trong dự thảo Luật Dạy nghề được trình lần này, ngoài điều 8 quy định về nguyên tắc liên thông trong đào tạo, trách nhiệm của các cơ quan quản lý về dạy nghề chỉ đạo xây dựng các chương trình dạy nghề đảm bảo sự liên thông giữa các trình độ dạy nghề hay liên thông giữa dạy nghề và các lĩnh vực đào tạo khác, dự thảo cũng đã bổ sung một số quy định chi tiết đảm bảo sự liên thông.

Ví dụ, điều 34 cho phép tuyển tăng vào học cao đẳng nghề đối với một số trường hợp như: học sinh có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề loại khá trở lên đăng ký cùng ngành nghề đào tạo; người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề đăng ký học vào cùng ngành nghề đào tạo nếu có ít nhất 2 năm làm việc theo nghề đã được đào tạo. Điều 67 cũng có thêm khoản 2 quy định người học nghề đoạt giải nhất, nhì, ba trong các cuộc thi học sinh giỏi nghề quốc tế nếu có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông thì được tuyển thẳng vào trường đại học, trường cao đẳng để học ngành, nghề phù hợp...

Đồng ý với những bổ sung này nhưng ĐB Lê Huy Luyện (Bà Rịa - Vũng Tàu) còn tỏ ý băn khoăn về vấn đề bằng cao đẳng nghề có tương đương với bằng cao đẳng giáo dục không? Theo ông có thể nghiên cứu thay bằng cao đẳng nghề hiện nay bằng loại bằng cấp khác thể hiện tính liên thông và người tốt nghiệp cao đẳng nghề cũng là cử nhân như bên hệ cao đẳng giáo dục.

Một số đại biểu khác đề nghị ban soạn thảo quy định rõ hơn chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho các cơ sở đào tạo nghề ngay trong luật vì các quy định còn rất chung chung. ĐB Trần Đình Long (Đắk Nông) nói: “Nên ghi rõ là Nhà nước hỗ trợ cụ thể thế nào về xây dựng cơ sở vật chất, vốn vay ưu đãi, giảm thuế cho các hoạt động đào tạo, thực hành...”.

M.Q

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.