Lại một nguồn phóng xạ nguy hiểm biến mất!

15/08/2006 22:46 GMT+7

Thêm một vụ mất nguồn phóng xạ mới bị phát hiện tại Công ty cổ phần xi măng Sông Đà mà cho đến tối qua, các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm thấy.

Ngày 28/7, dây chuyền lò nung của Nhà máy xi măng Sông Đà ngừng sản xuất để sửa chữa thiết bị. Ngày 30/7, khi sửa chữa đáy lò nung, công nhân đã tháo hộp chứa nguồn phóng xạ phát tia Gamma Cs - 137 (nằm trong thiết bị điều khiển xả clinke ở đáy lò) khỏi vị trí điều khiển. Hộp chứa nguồn phóng xạ (đã đậy kín có vỏ bằng tôn, bên trong có các tấm chì ngăn tia bức xạ) được đặt tại sàn bê tông của đáy lò nung. 9h30 sáng 8/8, Phòng Quản lý cơ điện cùng cán bộ xưởng lò nung kiểm tra thiết bị để lắp đặt lại vào vị trí vận hành thì phát hiện nguồn phóng xạ đã biến mất.

Sau đó, Công ty cổ phần xi măng Sông Đà tổ chức tìm kiếm trong công ty, báo cáo công an phường. Gần một tuần sau công ty mới báo cáo lên Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Hòa Bình và Sở báo cáo về Cục Kiểm soát an toàn bức xạ, hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ). Một ngày sau, 14.8 Cục này cử một đoàn kiểm tra đến Công ty cổ phần xi măng Sông Đà. Cũng trong ngày 14.8, Cục Kiểm soát và an toàn bức xạ đã liên hệ với Bộ Công an tổ chức một đoàn gồm 8 cán bộ lên Hòa Bình tham gia xử lý vụ việc.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đào Quang Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần xi măng Sông Đà cho biết: do quá tập trung vào việc tìm kiếm nguồn phóng xạ nên công ty... quên không báo cho cơ quan chuyên môn như quy định. Cũng theo ông Dũng, không có nguồn phóng xạ trong bộ phận điều khiển xả clinke ở đáy lò thì nhà máy vẫn hoạt động và các công nhân phải điều khiển quy trình này bằng phương pháp thủ công.

Sáng qua 15/8, ông Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục Kiểm soát an toàn bức xạ, hạt nhân đã có cuộc trao đổi với báo giới xung quanh vụ mất nguồn phóng xạ tại Hòa Bình. Ông Nhân cho biết: đây là nguồn phóng xạ kín, được bao bọc trong một vỏ bọc kim loại chống ăn mòn, chống va đập, nằm trong một container (thực ra là một hộp chì nặng khoảng 7 kg - PV). Do nguồn kín nên chất phóng xạ không thất thoát ra ngoài được. Ông Nhân khẳng định nguồn phóng xạ bị mất thuộc loại có thể gây nguy hiểm và trả lời một số câu hỏi sau: 

* Hai tháng có hai nơi mất nguồn phóng xạ, là cơ quan quản lý về an toàn bức xạ hạt nhân, trách nhiệm của Cục thế nào?

- Đây là trách nhiệm của nơi sử dụng nguồn phóng xạ. Vai trò của Cục là quản lý nhà nước, đề xuất để Nhà nước ra các văn bản để

"Trong năm 2005, 2006 chúng tôi đã tiến hành thanh tra được 67 cơ sở trong số 147 cơ sở có nguồn phóng xạ trên toàn quốc. Tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra 42 cơ sở nữa. Số nguồn hiện nay theo thống kê cuối năm 2004 là 1.173 nhưng theo đánh giá của chúng tôi, do hiện tượng xuất nhập khẩu, có nguồn ra, nguồn vào nên con số nguồn có thể lên tới 1.250" - ông Ngô Đặng Nhân
hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị có nguồn thực hiện nhằm đảm bảo an toàn. Sau đó chúng tôi theo dõi, kiểm tra nếu các cơ sở vi phạm thì xử phạt.

* Công ty cổ phần xi măng Sông Đà có được cấp giấy phép sử dụng nguồn phóng xạ theo quy định không, thưa ông?

- Rất tiếc, đến nay công ty này chưa có giấy phép sử dụng nguồn phóng xạ theo quy định.

* Ai cũng biết đã là phóng xạ thì nguy hiểm, vậy xin ông cho biết mức độ báo động sẽ thế nào nếu không tìm thấy nguồn bị mất?

- Đó là câu hỏi rất khó vì nguồn hở và nguồn kín là khác nhau. Nếu nó ở trong hộp bảo vệ thì ngồi gần cũng không sao, còn nếu nó đã là nguồn hở, ra khỏi hộp bảo vệ thì người tiếp xúc với nó sẽ chịu liều chiếu.

* Việc dò tìm nguồn phóng xạ trong thời gian tới sẽ được triển khai thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi đã nghe công ty trao đổi sự việc để sàng lọc, tìm vết của nguồn phóng xạ. Bây giờ cần phải có sự phối hợp của nhà máy, công an... Khi họ phát hiện thì chúng tôi dùng thiết bị máy móc khẳng định. Thiết bị dò tìm chỉ có thể phát hiện được trong một khoảng cách nhất định, phải định vị, khoanh vùng được địa điểm càng nhỏ càng tốt chứ không thể tìm được trong một vị trí rộng. Với máy móc dò tìm hiện nay thì chỉ có thể tìm kiếm hiệu quả trong phạm vi 3-5m.

Thanh Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.