Thoát lũ cho ĐBSCL: “Lợi: ai cũng thấy; hại: chỉ vài người thấy”

20/08/2006 00:07 GMT+7

Ngày 19/8, tại thành phố Cần Thơ, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã chủ trì hội thảo "Quy hoạch phát triển thủy lợi ĐBSCL giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2020".

Điều bất ngờ thú vị đã xảy ra là chủ đề của hội thảo đã bị "chìm nghỉm", bởi khách mời tham dự - hầu hết là nhà nghiên cứu, nhà quản lý hàng đầu trong lĩnh vực thủy nông - đã tập trung "bàn cãi" về hiệu quả các công trình thoát lũ, ngăn mặn, ngọt hóa các tiểu vùng trong khu vực ĐBSCL.

Mở đầu hội thảo, GS-TS Tô Văn Trường - Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam khái quát: Chính phủ đã phê duyệt, trong giai đoạn 2006-2010 tổng vốn đầu tư cho các công trình thủy lợi khu vực ĐBSCL là 6.940 tỉ đồng để thực hiện các công trình bờ bao, hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong cụm, tuyến dân cư, phát triển sản xuất, tạo việc làm. Giai đoạn 2010 và định hướng đến năm 2020 sẽ tiếp tục đầu tư thêm khoảng 14.706 tỉ đồng để tiếp tục hoàn thành các dự án của giai đoạn trước, trong đó đáng chú ý là 6 dự án kiểm soát lũ khu vực Vàm Nao, Chợ Mới, Bắc Lấp Vò, Cái Sắn - Thốt Nốt, Thốt Nốt - Ô Môn cùng một số công trình phục vụ sản xuất ven biển. Ông Trường khẳng định khi hoàn chỉnh thì những công trình này sẽ mang lại hiệu quả to lớn, làm thay đổi diện mạo cả vùng. 

Nhiều ý kiến đã bày tỏ sự tin tưởng vào viễn cảnh của những công trình thoát lũ, kiểm soát lũ đã và đang triển khai. Ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang có cách nói dí dỏm: "Tôi không tán thành thái độ bi quan ta thán, cho rằng ĐBSCL là vùng cực khổ, thiên tai. Thực ra trời cho vùng này nhiều cái hơn là lấy đi. Phải "bắt mạch" thiên nhiên như vậy thì mới "bốc đúng thuốc". May là các công trình thủy lợi ở An Giang đến giờ này chưa có gì "phản phé", nếu không nói là hiệu quả tuyệt vời; nhờ đó diện tích và sản lượng lương thực của tỉnh đã tăng vùn vụt...".

Nói vậy nhưng ông Bảy Nhị lại bộc bạch: "Tôi lại có tham vọng là đến khi GDP của dân mình đạt trên 3.000 USD thì không làm lúa thần nông nữa, trở lại làm lúa mùa, kết hợp nuôi cá đồng để vừa khỏe vừa có... đồ ăn ngon".

Tiến sĩ Nguyễn n Niên, Viện trưởng Viện quy hoạch sử dụng nước và tài nguyên thiên nhiên thì nói: "Bờ bao, đê bao chống lũ là con đường phát triển ĐBSCL, nếu không thì dân cư trong vùng tiếp tục lặn hụp trong lũ...". Ông Niên cũng khẳng định các công trình, dự án kiểm soát lũ Ô Môn - Xà No, ngọt hóa Gò Công... sẽ mang lại hiệu quả tuyệt vời. Tuy nhiên, tiến sĩ Mai Văn Nam, Trưởng khoa Kinh tế quản trị kinh doanh, Đại học Cần Thơ lại không lạc quan như vậy mà tỏ ra bức xúc về những hậu quả mà công trình này mang lại, nhất là với các đối tượng hộ nghèo.

Kỹ sư thủy lợi Nguyễn Ngọc San (thành phố Cần Thơ) nêu ra một khía cạnh khác: "Từ khi có các công trình đê bao ở các tỉnh thượng nguồn, các tỉnh hạ lưu, trong đó có thành phố Cần Thơ lại càng bị ngập sâu thêm". GS.TS Đào Công Tiến, nguyên hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh ray rứt: "Giải pháp đê bao chống lũ đã... sinh hại, đầu tư nhiều nhưng hiệu quả thấp và tác động xấu đến môi trường. Tôi nghĩ việc thoát lũ, kiểm soát lũ cho ĐBSCL phải tính toán thật cân nhắc, chứ đừng làm tràn lan như hiện nay".

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết sẽ ghi nhận các thông tin nhiều chiều từ cuộc hội thảo khá lý thú này và xem đây là những phản biện xã hội mà các cơ quan chức năng còn lưu ý. Trong khi đó, khu vực ĐBSCL hiện đã bước vào mùa lũ và 2 tỉnh Kiên Giang, An Giang cho biết sẽ tiến hành xả lũ vào đồng để tiếp nhận nguồn phù sa và vệ sinh đồng ruộng. Các làng nghề sống theo mùa lũ cũng đang vào vụ làm ăn "do thiên nhiên ban tặng" bận rộn nhất trong năm.

Tấn Đức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.