"Người rắn" và 61 năm bí ẩn

21/08/2006 14:52 GMT+7

Người đàn bà ấy tên Đào Thị Thêu, sinh ra đúng vào năm đói Ất Dậu 1945. Năm nay 61 tuổi, chân tay bà ngày càng teo thắt lại, nghĩa là từng ấy năm bà phải quằn quại với số phận, trong sự đồn thổi về kiếp người rắn mà bà là nhân vật chính.

Câu chuyện được thêu dệt cho tới tận bây giờ đã dài hơn nửa thế kỷ. Trong căn nhà liêu xiêu và tạm bợ giữa một khu vườn hoang, tôi đã được tận tai nghe một câu chuyện kỳ lạ, cũng như tận mắt chứng kiến cuộc sống với bao nhiêu nỗi đau của bà...

Câu chuyện dài 61 năm

Lối vào thôn Lại Ốc, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã khác lắm với con đường đất lầy lội ngày xưa. Thậm chí sự đổi mới của xóm làng làm cho nhiều người còn không kịp nhận ra. Duy chỉ có những lời đồn thổi về bà Thêu là vẫn được giữ nguyên cốt truyện, một câu chuyện có tuổi bằng một người cao niên trong làng.

Người này truyền người kia và họ đặt tên cho bà là "người rắn" đã từ lâu lắm rồi. Ở cái làng này, số người đã tận mục sở thị bà thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay nhưng nếu hỏi về chuyện của bà, ai cũng kể được vanh vách. Bà Tô Thị Nhiên, 54 tuổi - người họ hàng xa của bà Thêu - cho biết: "Dù làm dâu ở làng hơn 30 năm cũng chưa bao giờ tôi được nhìn thấy mặt bà, chỉ nghe người ta nói rằng từ hình dáng cho tới hành động đều rất giống rắn".

Một bà cụ đầu bạc trắng đã kể cho tôi nghe câu chuyện đó. Câu chuyện bắt đầu từ sự hiếm muộn của hai cụ thân sinh ra bà Thêu là cụ Đào Ngôi và cụ Đỗ Thị Thơ. Lấy nhau hơn hai chục năm, tới ngoài 40 tuổi mà hai cụ vẫn chưa có một mụn con, ngày xưa thế là hiếm muộn. Lo lắng và bất an, cụ Thơ liền khăn gói lên một ngôi chùa để cầu tự và một sự trùng hợp ngẫu nhiên, sau lần thành tâm đó, cụ mang thai, chính là bà Thêu bây giờ.

Nhưng cũng từ một sự ngẫu nhiên mà người làng mới dệt nên câu chuyện đầy bí ẩn. Người ta khẳng định chắc nịch rằng, trong thời gian bụng mang dạ chửa bà Thêu, một con rắn có mào đã trèo lên ban thờ nhà cụ, họ cho rằng đó là sứ giả của "ngài" hiển linh nhưng cụ không biết nên đã đập chết nó (?). Con rắn được bà cho vào cối đá rồi đậy lại nhưng khi cụ Đào Ngôi về tới nhà thì không còn lấy một vết máu. Việc làm đó đã khiến thánh thần nổi giận rồi trừng phạt, bắt bà Thêu phải chịu kiếp nhân xà (?)...

Ông Đào Kiểm - người bà con của bà Thêu xác nhận chuyện con rắn xuất hiện trong nhà là có thật nhưng chẳng ai xác định được là có mào và có biến mất từ trong cối đá hay không. Ngày ấy quanh làng chỗ nào cũng đầy các lũy đất lớn, rắn làm hang nhiều nên rắn vào nhà cũng là chuyện thường. Vả lại khi bà Thêu sinh ra cũng khỏe mạnh như bao người khác.

Mãi đến gần 1 tuổi, bà mắc một căn bệnh lạ mà lúc bấy giờ không ai trong làng biết và điều trị được, sau một cơn co giật, chân tay bà cứ dần teo lại. Vì thế, mỗi khi cố vận động thường phải tì người vào bờ tường rướn từng tí một mới di chuyển được. Cổ và lưỡi do hoạt động nhiều nên to hơn bình thường, đặc biệt lưỡi bà thường hay phải đảo đi đảo lại lấy thức ăn đã thành thói quen. Có lẽ do đó, một vài người tò mò nhìn thấy đã kết luận bà là người rắn rồi thêm mắm thêm muối rằng bà có đuôi, có vẩy...

Theo chúng tôi tới thăm bà, cũng là lần đầu tiên bà Nhiên tận mắt nhìn thấy "người rắn". "Thật không đúng với những gì người ta đồn thổi" - bà ái ngại.

Gần một đời người chỉ 2 lần ra khỏi nhà

Những đồn thổi của người làng và sự dò xét chốn thôn quê đã khiến cho con người bất hạnh ấy chịu thêm sự tủi thân trong một cuộc sống ẩn lánh xã hội. Đến nay tuổi đã xế bóng, bà Thêu vẫn gắn bó với mảnh đất hai cụ thân sinh để lại, chắc chắn rằng nơi đó họ cũng đã từng nghĩ trước tới cuộc sống con đàn cháu đống.

Thế mà đến giờ nó vẫn chỉ là một mái nhà tạm dựng lên từ năm 1972 lẫn trong đám cỏ dại, bên trong là một kiếp người còn nguyên nỗi đau số phận. Theo lời kể của ông Kiểm, suốt cuộc đời của mình, bà Thêu chỉ ra khỏi mái nhà ấy có hai lần. Đó là lần sửa mái năm 1992 và năm 1996 khi cụ Đỗ Thị Thơ tạ thế. Tôi dám chắc biết bao nhiêu lần bà cũng muốn ra khỏi nhà để được đi chơi, được chạy nhảy như con trẻ, nhưng chỉ cần ra đến đầu cổng thôi là bà lại lập tức phải rướn trở lại.

Bà sợ! Bà không dám nhìn vào những đôi mắt tò mò đầy hiếu kỳ, những lời cay nghiệt hay trò đùa nghịch của bọn trẻ con. Bà lẩn tránh cả những người tứ xứ đến thăm chỉ để được nhìn...

Thế là hai lần bất đắc dĩ ra khỏi nhà bà lại phải nhanh chóng ẩn mình vào căn lều ẩm tối. Xã hội chưa dang tay đón lấy bàn tay bị "nguyền rủa" ấy của bà. Ở vào cái tuổi bây giờ, có lẽ bà cũng không còn nghĩ tới điều đó nữa. Suốt cuộc đời mình, bà quen nương tựa vào lưng của người mẹ già đã từng hành khất khắp làng xin từng miếng ăn cho con rồi mất khi 92 tuổi.

Từ bấy đến giờ, bà làm bạn với hai vợ chồng người họ hàng: ông Đào Kiểm và bà Đỗ Thị Lộc. Nhắc tới ông trong câu chuyện của người làng, ai cũng cho rằng chỉ có ông sống trọn nghĩa vẹn tình khi "dám" nhận trách nhiệm chăm sóc bà Thêu.

Mười lăm năm trong quân ngũ, năm 1977, ông Đào Kiểm về làng vì tình hình sức khỏe quá yếu và nhận chế độ bệnh binh. Đồng cảm với người chị bất hạnh, ông vẫn thường hay qua lại thăm nom rồi nhận chăm sóc luôn từ 1996 khi bà Thêu không còn nơi nương tựa.

Chưa bao giờ người bệnh binh ấy cảm thấy rằng mình đã làm tròn trách nhiệm, cũng là do hoàn cảnh gia đình ông quá khó khăn. Mấy miệng ăn trong nhà giờ chỉ còn trông chờ vào mấy sào lúa vụ được, vụ mất, tiền chính sách bệnh binh gần 600.000 đồng/tháng của ông và trợ cấp đối tượng 202 được 45.000 đồng/tháng cho bà Thêu nhưng vài quý mới được lĩnh một lần. Ngày tết, bà được thêm 30.000 đồng tiền quà biếu.

Cắt ngang câu chuyện của chúng tôi, bà Thêu lắc đầu nguầy nguậy, miệng ú ớ như muốn nói gì. Chỉ có ông Kiểm là hiểu được những tiếng ấy, duy nhất ông là người nói chuyện được với bà. Ông bảo bà không muốn nhắc tới những chuyện khổ nữa, có lẽ vì đời bà đã chịu khổ nhiều rồi. Thì ra cái đầu trên thân mình quắt queo kia vẫn nhận thức được mọi việc, đôi chân tàn kia chưa phải đã bị phế bỏ hết tính năng.

Bằng đôi chân ấy, bà Thêu đã từng đan chổi, chải tóc, rồi uốn lên cẳng tay để tự xúc cơm ăn. Bây giờ không còn tóc nữa, sức khỏe cũng yếu đi nhiều, nó chỉ còn giúp bà ăn cơm được. Như để chứng minh với chúng tôi sự tồn tại của mình trên cõi đời này, bà dùng chân với lấy cái bát nhôm đã hoen ố, chiếc thìa to rồi... nằm ăn.

Bà quay sang nhìn chúng tôi, hai con mắt 61 năm sống trong căn lều tối đã mờ dại đi nhưng sâu thẳm như muốn nói thật nhiều...

Những giọt nước mắt cuối đời

Là người họ hàng gần nhất với bà Thêu, ông Kiểm ít khi thấy bà khóc. Bà không bao giờ khóc cho số phận khổ đau bởi đời bà khổ nhiều thành quen nên chẳng bao giờ bà phải khóc vì nó cả. Ông nhớ không nhầm thì lần đầu tiên bà khóc là năm 1996, khi cụ thân sinh về với tiên tổ để lại một mình bà.

Bà khóc không chỉ vì tình mẫu tử, không phải thương cho thân phận mồ côi, mà còn vì cuộc sống sắp tới không có ai làm bạn. Bây giờ bà lại khóc, dường như chỉ là lần thứ hai bà khóc, khi đã cuối đời, song là tiếng khóc bật lên từ niềm vui vì lần đầu tiên có người tới chơi lại còn cho quà nữa. Một gói quà dù đơn sơ cũng thật là quý, bà quờ hai tay vào như thể xem nó thế nào, rồi giữ thật chặt như muốn níu giữ khách ở xa, rồi lại muốn chia vui với mọi người.

Một người hàng xóm đi ngang, bà muốn thốt lên thật nhanh "vào đây, vào đây" mà giọng cứ lạc đi. Và vẫn chỉ mình ông Kiểm mới biết hết được những cảm xúc trong đó.

Bà Thêu ngồi ngất ngư trong chiếc giường cũ ọp ẹp hóng qua khung cửa ra vào, nơi mà từ lâu rồi bà cũng không qua đó. Tôi hỏi bà có muốn đi qua cái cửa ấy không? Bà Lộc - vợ ông Kiểm thì cứ mong có một trung tâm nuôi dưỡng người già nào đó mang bà về nuôi, không phải để rũ bỏ trách nhiệm mà là muốn bà Thêu được chăm sóc chu đáo hơn.

Bà lắc đầu nguầy nguậy. Có lẽ vì cả đời bà chưa bao giờ nghe có một trung tâm nào như thế, mà bà cũng chẳng tin vào sự tồn tại của nó. Đến khi chúng tôi ra về, bà vẫn hóng theo. Bà đã ngồi đó hóng ra ngoài khung cửa 61 năm rồi. Và ngoài kia, người ta vẫn còn kể, còn tin rằng trong làng có một "người rắn" vẫn phải chịu sự đầy đọa của thánh thần...

Theo Giang Hải/báo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.