Vở Dương Vân Nga của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga xuất phát từ vở chèo của Trúc Đường, do soạn giả Huy Trường chuyển thể, còn Dương Vân Nga của Nhà hát Trần Hữu Trang lại do soạn giả Hoa Phượng chuyển thể, và chính đạo diễn Chi Lăng - Giám đốc Nhà hát đứng ra dàn dựng. Cho nên, hai vở cũng có nhiều điểm khác, nhờ vậy hai nữ nghệ sĩ tài danh đều có cơ hội khắc họa những dấu ấn khác nhau. Và Bạch Tuyết đã không hổ danh là "Cải lương chi bảo".
Thật sự, tài năng chính là dựa trên nền tảng của sự nghiêm túc, công phu, yêu nghề tha thiết. Nhận kịch bản, Bạch Tuyết đã lặn lội ra Bắc mấy lần để nghiên cứu những chi tiết lịch sử liên quan đến Thái hậu Dương Vân Nga. Lần đầu tiên chị đi thăm đền thờ của Thái hậu tại Hoa Lư lại đúng vào ngày hội rước Bà. Thì ra Bà được thờ ở cả hai đền vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành. Hằng năm, cứ 6 tháng ở đền vua Đinh, 6 tháng sau chuyển tượng Bà qua đền vua Lê. Nhưng trước khi chuyển đi, dân làng đem tượng ra giữa sân đánh cho mấy roi rồi mới làm lễ rước long trọng. Bạch Tuyết bàng hoàng xúc động: "Nền văn hóa Việt thật rõ ràng minh bạch. Có công thì thờ, có tội thì phạt mà vẫn tôn kính thương yêu. Cái công giữ gìn cơ đồ xã tắc, và cái tội hai chồng". Và qua lời kể trong dân gian, Bạch Tuyết còn nhận ra một tính cách rất riêng của Thái hậu để sau này chị diễn rất "thật".
Mới 16 tuổi, Dương Vân Nga đã là một dân quân bảo vệ thành Hoa Lư, tính tình thẳng thắn và có phần gàn bướng. Bà được cử theo hộ vệ nhà vua. Trong lúc vua đi, theo luật lệ, ai nấy phải cúi đầu không dám ngước lên, vậy mà Dương Vân Nga đã nhìn thẳng mặt rồng, và cãi lại những lời buộc tội: "Tôi không thể bảo vệ một người mà tôi không hề biết mặt!". Có lẽ điều đó đã khiến vua để ý rồi chọn bà làm bạn trăm năm?
Bạch Tuyết còn cảm nhận rằng, triều đại nhà Đinh đều xuất thân từ cờ lau tập trận, nghĩa là gốc dân dã đi lên, thì những người trong hoàng tộc không thể nào được đào tạo chuẩn mực như các triều đại ổn định khác, từ cách ăn nói, đi đứng, cư xử... Như vậy, chính Thái hậu Dương Vân Nga cũng không thể yểu điệu thục nữ, ăn nói văn hoa cho được, mà phải mạnh mẽ theo cách con nhà võ, đôi khi thô tháp một chút của dân quê chất phác. Thế nên, chị đã diễn ra một Thái hậu buông rèm nhiếp chính uy nghi, nhưng lúc vén rèm nạt nộ tướng sĩ vì quá bực với tư tưởng đầu hàng thì Thái hậu lại rất "đời thường".
Bạch Tuyết và đạo diễn Chi Lăng còn lắng nghe âm nhạc của vùng đất Hoa Lư để về thiết kế lại toàn bộ âm nhạc của vở. Và chị nghiên cứu tỉ mỉ từng hoa văn khắc trong đền thờ, từ đó vẽ ra bộ trang phục cho chính mình. Chiếc áo của Thái hậu Dương Vân Nga nổi bật hình ảnh con rồng uy nghi với chiếc đầu rất to, có phần dữ tợn, mà thân thì nhỏ tựa như thân rắn. Chị nói: "Con rồng thời Lý, Trần đầu nhỏ, thân to, chung quanh có nhiều hoa sen, chứng tỏ thời thanh bình, tu Phật. Còn thời Đinh, Lê, đất nước vừa trải qua nạn 12 sứ quân, mới thống nhất, chưa hẳn đã yên bình, nên triều đại mới khai sinh phải chứng tỏ sức mạnh trấn áp. Hoa văn trong đền thờ còn khắc những hình ảnh vạc dầu sôi, hổ, báo, càng rõ sự quyết liệt". Chiếc áo tốn đến mấy triệu đồng, hồi đó là quá đắt, nhưng đã làm nên một Dương Vân Nga tuyệt diệu.
Bây giờ, Bạch Tuyết vẫn thuộc lời thoại vanh vách, và khi chị đọc lên nghe rợn cả người vì hào khí quốc gia âm vang trong từng câu chữ. "Ta đứng đây đã thấy ngã ba sông. Chảy trong óc, trong tim, trong trang sử Tiên Rồng. Thuyền xã tắc phân vân bề tiến thoái. Đất nước hỏi ai xứng là gạch nối. Để gắn liền hãnh diện giữa xưa-sau...". Những câu thoại mà chị tập cả tuần chỉ để truyền được ngọn lửa tự hào dân tộc vào trái tim khán giả. Cho nên, khi diễn ở biên giới tây nam năm 1979, một thiếu tướng tư lệnh biên phòng đã rơi nước mắt bước lên gắn huy chương cho Bạch Tuyết: "Huy chương này một chiến sĩ phải mất 5 năm phấn đấu, không phạm bất cứ một lỗi nhỏ nào. Nhưng Bạch Tuyết được nhận ngay vì một tiếng nói của Dương Vân Nga đã làm nức lòng chiến sĩ, còn hơn vạn lời hiệu triệu". Đời nghệ sĩ hạnh phúc vậy thì thôi!
H.K
Bình luận (0)