ĐBQH chuyên trách thảo luận về dự án Luật Tổ chức Quốc hội

22/08/2006 00:48 GMT+7

Trong phiên thảo luận hôm qua (21.8) để lấy ý kiến cho dự án Luật Tổ chức Quốc hội, các ĐBQH chuyên trách đồng thuận cao trong việc cho tách Ủy ban Kinh tế - ngân sách thành Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Ngân sách; tách Ủy ban Pháp luật thành Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Pháp luật, nhưng lại có nhiều ý kiến khác nhau về việc bỏ phiếu tín nhiệm.

ĐB Nguyễn Ngọc Minh (Ninh Thuận) đề nghị phải xem việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh Quốc hội bầu và phê chuẩn thành một việc bình thường, tức là mỗi năm phải tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm một lần. "Tại kỳ họp đầu năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên phát phiếu thăm dò, nếu người nào đó có 20% số đại biểu đề nghị thì phải đưa ra lấy phiếu tín nhiệm", ông Minh dẫn giải. ĐB Đặng Văn Xướng (Long An) lại có quan điểm khác: "Chỉ khi "có vấn đề" thì mới nên bỏ phiếu tín nhiệm". Còn ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) lại đề nghị Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm sau mỗi phiên chất vấn. Theo ông Cuông đó là cách để đánh giá năng lực người được Quốc hội bầu và phê chuẩn. Một vấn đề mà đa số các đại biểu đều đề cập đến là quy định phải đạt tỷ lệ 20% số đại biểu đề nghị thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đưa ra lấy phiếu tín nhiệm. ĐB Huỳnh Thành Lập (TP.HCM) kiến nghị: "Phải bắt đầu tính từ đầu nhiệm kỳ, cộng dồn lại đến khi ông nào có đủ 20% người đề nghị thì đưa ra lấy phiếu tín nhiệm"

T.Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.