Giải mã những vụ trọng án - Bài 1: Vỏ quýt dày có móng tay nhọn

22/08/2006 23:39 GMT+7

Hôm nay, ngành khoa học hình sự cả nước kỷ niệm 49 năm ngày thành lập (23/8/1957 - 23/8/2006). Từ lúc ra đời đến nay, ngành khoa học hình sự đã đóng góp những thành tựu đáng kể để bảo vệ, thực thi pháp luật. Có rất nhiều vụ án mà chỉ từ một vài dấu vết mỏng manh, nhưng các chiến sĩ khoa học hình sự đã buộc hung thủ phải cúi đầu nhận tội...

Hung thủ cẩn thận đeo găng tay khi gây án, xóa dấu vết hiện trường..., nhưng chỉ với dấu vết mong manh, bằng kiến thức và phương pháp điều tra khoa học, các chiến sĩ đã vạch mặt bọn tội phạm.

Sợi tóc của hung thủ

Đầu tháng 3/2003, một vụ án mạng xảy ra tại chung cư 667 Nguyễn Trãi, P.11, Q.5, TP.HCM. Hiện trường có xác 2 nạn nhân nữ, một trong nhà vệ sinh, một nằm ngay cửa phòng vệ sinh. Công an xác định nạn nhân chết trong nhà vệ sinh là Tse Ho Yen (sinh năm 1965, người Đài Loan), là chủ 3 cơ sở massage chân tại TP.HCM; nạn nhân còn lại là Nguyễn Thị Duy Thắm (sinh năm 1984, quê ở Lai Vung, Đồng Tháp), là người giúp việc nhà cho Yen.

Hiện trường được bảo vệ nghiêm ngặt. Nhận được tin báo, 20 phút sau các chuyên gia dấu vết của Phòng Kỹ thuật hình sự (PC21) Công an TP.HCM đã có mặt để khám nghiệm hiện trường. Rất nhiều công cụ mà hung thủ có khả năng dùng để gây án được thu hồi như các loại dao, kéo, búa, tuốc-nơ-vít; các dấu chân dính máu, nhiều dấu máu và cả hai đôi găng tay: một đôi găng tay vải đã bị cắt một phần và một đôi găng tay cao su... cũng đã được khám nghiệm nhưng tuyệt nhiên không thấy một dấu vân tay nào. Điều này cho thấy hung thủ đã có tính toán trước.

Tuy nhiên, điều mà kẻ giết người không thể ngờ là trong các dấu vết thu được có một số sợi tóc dính vào vết máu. Toàn bộ các dấu vết sau đó được đưa đi giám định. Kết luận giám định cho thấy các mẫu máu thu được là của nạn nhân, nhưng tóc và các dấu chân dính máu tại hiện trường là của kẻ gây án. Một giả thuyết được đặt ra: trong quá trình gây án, hung thủ đã gặp sự kháng cự của nạn nhân và trong quá trình giằng co đã làm rụng một số tóc của hung thủ...

Trong khi đó, các mũi điều tra khác cũng được mở rộng. Hai nghi can hàng đầu được xác định là hai chị em ruột Trần Huệ Bình (sinh năm 1970) và Trần Huệ Mẫn (sinh năm 1975). Bình và Mẫn quen biết Tse Ho Yen và thường xuyên lui tới nhà Yen chơi. Vào thời điểm trước khi án mạng xảy ra, có nhân chứng thấy hai nghi can này xuất hiện tại nhà Yen.

Khi các điều tra viên tìm đến địa chỉ Bình và Mẫn cư ngụ trên đường Phạm Đôn, P.10, Q.5 thì hai nghi can này đã đi khỏi nhà. Khám xét nhà hai nghi can, tại đây, công an đã phát hiện các vết màu nâu (nghi máu), một phần đôi găng tay vải và chất bột trắng chưa xác định... Kết quả giám định: phần đôi găng tay vải chính là phần còn lại của đôi găng tay thu được tại hiện trường vụ án; chất bột trắng là ma túy. Các trinh sát, điều tra viên được tung vào cuộc và chỉ vài ngày sau, Bình và Mẫn bị tạm giữ khi đang "nghỉ mát" tại Vũng Tàu.

Sau khi bị bắt, hai nghi can này kêu oan. Thế nhưng, kết quả giám định dấu chân và đặc biệt là phân tích ADN mẫu tóc thu tại hiện trường với mẫu tóc của nghi can cho thấy có cùng gen di truyền. Bằng chứng khoa học đã buộc hung thủ phải cúi đầu nhận tội. Sự thật được hé lộ: do nghiện ma túy, thấy Yen có tiền, hai chị em Bình - Mẫn đã bàn cách giết nạn nhân lấy tài sản. Yen bị giết tại phòng khách, sau đó các hung thủ lôi xác vào phòng vệ sinh và lục tìm tiền bạc. Trong lúc đang lục lọi thì Thắm về. Bình và Mẫn núp sau cánh cửa và bất ngờ xông ra giết luôn Thắm rồi lôi xác vào gần cửa phòng vệ sinh... Trong quá trình giết Yen, Bình và Mẫn đã gặp sự phản kháng mạnh mẽ khiến một số tóc bị rụng, dính vào các vết máu trên sàn nhà... Hai hung thủ đã phải nhận bản án tử hình cho tội giết người cướp của.

Lá rau muống trong khí quản nạn nhân

Lưới trời lồng lộng, kẻ tội phạm dù cao tay đến mấy trước sau gì cũng phải lộ diện. Vụ giết người ở quận Tân Bình đầu năm 1999 là một minh chứng. Người dân phát hiện xác Nguyễn Minh H. (5 tuổi) nổi lên ở ao rau muống gần nhà sau 1 ngày cháu không về nhà. Hiện trường không có bất cứ dấu vết gì ngoài xác nạn nhân. Nhiều người cho rằng, nạn nhân bị trượt chân ngã xuống nước chết đuối. Nhưng các giám định viên Phòng PC21 không nghĩ như vậy khi phát hiện trong khí quản nạn nhân có nhiều mảnh lá rau muống nhỏ đã bị dập nát. "Nếu ngã xuống nước rồi chết vì sặc nước thì không thể có những lá rau muống trong khí phế quản. Ở đây, chắc chắn trước khi chết nạn nhân đã bị trấn nước nhiều lần, gây sặc và vùng vẫy làm dập các lá rau muống, rồi các mảnh vụn lá rau theo nước sặc vào trong khí quản..." - trung tá Trần Thành Định, Phó đội trưởng giám định Phòng PC21 khẳng định. Trung tá Định đề nghị xuống hiện trường kiểm tra lại. Kết quả, tại hiện trường gần nơi tìm thấy xác nạn nhân, có một khoảnh nhỏ rau muống bị dập nát... Cơ quan điều tra vào cuộc.


Thương "pê đê", hung thủ giết bạn tình chặt làm nhiều khúc

Một nghi can được nhắm đến. Đó là Hải, một đối tượng "có tiếng" ở địa phương. Tại cơ quan điều tra, Hải đã khai nhận toàn bộ sự thật. Do trước đây có lần đi ăn trộm, bị cha em H. là thợ sửa xe phát hiện, báo công an. Hải bị công an mời lên làm rõ hành vi vi phạm, nhưng chỉ bị xử lý hành chính rồi cho về. Từ đó, Hải đâm ra thù tức gia đình em H. và đã nhẫn tâm ra tay với một đứa trẻ 5 tuổi...

Vụ Phạm Văn Khỏe chặt người tình làm nhiều khúc xảy ra vào tháng 11.2001 tại Gò Vấp là một vụ án in đậm dấu ấn của các chiến sĩ khoa học hình sự. Ban đầu, cơ quan điều tra chỉ phát hiện hai phần thân thể (đầu và một số nội tạng) nạn nhân được bọc trong các túi nilon vứt ở hố rác. Qua giám định, các chuyên gia pháp y Phòng PC21 xác định nạn nhân là nữ giới, khoảng 45-50 tuổi, cao khoảng 1,52m; bị đánh dập môi, mắt, gãy 3 răng, dập đầu, bị đâm nhiều nhát vào mặt và có dấu hiệu bị chết ngạt. Nhưng ngặt nỗi khuôn mặt nạn nhân bị đâm nát đến nỗi không thể nhận diện được. Đồng thời, hiện trường lại không có dấu vết đặc biệt để truy nguyên vì các chi chưa tìm thấy. Kẻ gây án là một tên tội phạm thuộc hàng "cao thủ". Do đó, việc phá án bị giậm chân tại chỗ do không thể xác định được nạn nhân. Ban Giám đốc Công an thành phố tham gia chỉ đạo. Song song với nhiều mũi điều tra, gần như toàn bộ lực lượng của Phòng PC21 được huy động vào việc điều nghiên tàng thư để xác định danh tính nạn nhân, và cuối cùng nạn nhân được xác định, hung thủ bị bắt ngay sau đó...

Những vụ án giết người, phi tang kiểu như vụ Phạm Văn Khỏe luôn là vụ án khó. Trước đây là vụ một kiến trúc sư cũng giết bạn tình, chặt làm nhiều khúc phi tang; rồi mới đây là vụ Thương "pê đê" giết bạn tình... Thế nhưng cuối cùng, các hung thủ đều bị sa lưới pháp luật, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng khoa học hình sự...

Đức Trung - Đàm Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.