Ngày đó, năm 1981, tại Trường THCS Triệu Thị Trinh (Q.10, TP.HCM) có hai bé gái là chị em ruột đang theo học. Mẹ của hai bé là Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan, đang là Phó chủ nhiệm khoa m nhạc dân tộc của Nhạc viện TP.HCM nên chị hay giúp trường dàn dựng những chương trình văn nghệ học đường, rồi dần dần hình thành một nhóm học sinh chuyên biểu diễn nhạc cụ dân tộc (trong đó có hai cô con gái của chị). CLB Tiếng Hát Quê Hương (THQH) ra đời từ đó...
Rồi vượt khỏi khuôn viên ngôi trường, năm 1984 THQH được Nhà văn hóa Lao động (sau này nâng thành Cung văn hóa Lao động) nhận về để trở thành một CLB thành viên trực thuộc và tạo mọi điều kiện để THQH không ngừng phát triển. THQH trở thành một "thương hiệu" đầy uy tín trong lĩnh vực bảo tồn, phổ biến và phát triển âm nhạc dân tộc. Ngoài những giải thưởng cao cấp toàn quốc, cấp thành phố - THQH còn là "sứ giả" cấp... quốc tế. Qua mối quan hệ đồng môn của chị Phạm Thúy Hoan, THQH đã có sự giao lưu, trao đổi nghệ thuật với các nhóm dân ca - dân nhạc gốc Việt ở nước ngoài: Phượng Ca, Quê Hương (Pháp), Nam Giao (Bỉ), Tiếng Vọng Quê Hương (Mỹ), Hồng Lạc (Canada)... Từ đó THQH ở Việt Nam là nơi để những người đủ mọi quốc tịch đến "tu nghiệp" nâng cao tay... đàn (tranh, bầu...): Pièrre, Stéphan (Bỉ), Dominique Dupont (Pháp), Sachi (Nhật), Stucki Thụy Hằng (Thụy Sĩ)... Đặc biệt, chính THQH là tác nhân chính để Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Nhạc hội đàn tranh châu Á (tháng 9/2000), một dịp hiếm hoi để khán giả có thể thưởng thức, chiêm ngưỡng và đối chiếu các cây đàn thuộc họ đàn dây Zither: đàn tranh (Việt Nam), guzheng (Trung Quốc và Singapore), koto (Nhật Bản), komugo và kayagum (Hàn Quốc), yatga (Mông Cổ)...
|
25 năm qua (1981-2006), THQH đã đào tạo hàng trăm khóa đàn tranh, đàn bầu... học viên gồm đủ các thế hệ (hầu hết là nữ), từ lão bà "cổ lai hy" cho đến các bé gái nhi đồng. Từ hồi còn bôn ba hải ngoại, GS-TS Trần Văn Khê đã là "ông ngoại" thân thiết của CLB, lần nào về nước ông cũng biểu diễn chung với THQH. Hình ảnh một vị giáo sư tuổi bát tuần, vang danh quốc tế ngồi đàn chung với một bé gái đáng tuổi chắt sao mà xúc động!
Không chỉ đào tạo chuyên môn về khí nhạc mà Hải Phượng là con chim đầu đàn, THQH còn có nhóm múa Hoa Bách Hợp, còn có những giọng hát mang đậm "dấu ấn" THQH: Lý Thu Hiền, Đức Tâm, Thái Hòa, Tố Lan, Kim Luyên, Hạnh Nguyên, Thái Sơn... Còn có 2 chi nhánh THQH ở Mỹ (Hải Yến phụ trách) và ở Đức (Tina Phạm phụ trách).
Lần nào cũng vậy, buổi diễn của THQH sẽ được NGƯT Phạm Thúy Hoan bắt nhịp kết thúc bằng điệu Cò lả: "Con cò cò bay lả lả bay la. Bay qua là qua cửa phủ, bay về là về Đồng Đăng. Tình tính tang...". Vâng, mỗi thành viên CLB THQH là một cánh cò, họ không đài các và nhởn nhơ như bầy thiên nga mà họ kiên trì lao động, chịu thương chịu khó suốt 25 năm qua trên cánh đồng dân ca - dân nhạc bao la. Và, bầy cò sẽ bay vút, thẳng cánh...
H.Đ.N
Bình luận (0)