Cơ sở massage của người khiếm thị phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt?

27/08/2006 23:41 GMT+7

Tại cơ sở Xoa bóp day ấn huyệt Vạn Thọ (phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên, An Giang), các nhân viên massage đều bị khiếm thị. Người thành lập ra cơ sở này là chị Nguyễn Thị Thủy, phóng viên báo An Giang. Từ thông tin trên Báo Thanh Niên về cuộc thi "Ngày sáng tạo Việt Nam" do Ngân hàng Thế giới phát động, chị Thủy đã nghĩ ngay đến mô hình tạo việc làm cho người khiếm thị từ nghề xoa bóp, day ấn huyệt. Chị kể: "Đề án này đã được thầy Võ Tòng Xuân, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch tỉnh và thầy cô Trường khuyết tật An Giang, Hội Y học cổ truyền góp ý, ai cũng ủng hộ khiến tôi vững tâm hơn".

Đề án của chị Thủy "Đào tạo nghề tắm hơi xoa bóp day ấn huyệt cho người khiếm thị" đã đoạt giải nhì cuộc thi và được Ngân hàng Thế giới tài trợ 10.000 USD. Sau đó, chị Thủy đã cùng các thầy cô Trường trẻ em khuyết tật An Giang đưa các em lên Trường đại học Y Dược TP.HCM học nghề. Đến tháng 7.2004, cơ sở Vạn Thọ chính thức đi vào hoạt động với 8 nhân viên gồm 4 nam, 4 nữ. Những nhân viên khiếm thị này là thanh thiếu niên đến từ An Giang, Cần Thơ, người tuổi đời lớn nhất chưa quá 29, từ nhỏ bị bạo bệnh dẫn đến mù mắt. Đến nay số nhân viên khiếm thị hành nghề tại đây là 30 người, thu nhập từ 500 ngàn - 700 ngàn đồng/người/tháng. Hiện chị Thủy đã mở rộng cơ sở xuống TP Cần Thơ, đặt tại 1B Ngô Đức Kế, phường Tân An, quận Ninh Kiều. Trong tổng số 11 lao động tại đây, có 8 người mù làm kỹ thuật viên xoa bóp.

Dựa trên những quy định luật pháp liên quan đến hoạt động đặc thù của mình, ngày 12.5.2006, chị Thủy đã làm đơn gửi Chi cục Thuế quận Ninh Kiều để xin miễn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Trả lời đơn trên, tại công văn số 1003/CCT ngày 16.6.2006, Chi cục thuế quận ngoài việc thừa nhận cơ sở không thuộc diện phải chịu thuế giá trị gia tăng và nêu rõ các điều kiện đầy đủ cơ sở phải minh chứng để được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, lại khẳng định dịch vụ mà cơ sở đang tiến hành là ngành nghề thuộc lĩnh vực thuế tiêu thụ đặc biệt, theo đó do Luật thuế tiêu thụ đặc biệt không có quy định miễn, giảm thuế nên cơ sở phải nộp thuế (?!).

Trong khi đó, tại An Giang, cơ sở không phải đóng thêm khoản thuế nào ngoại trừ thuế môn bài. Câu hỏi đặt ra là cùng ngành thuế nhưng tại sao mỗi nơi lại có cách hành xử khác nhau? Ngoài ra, tại Điều 22 của Pháp lệnh Về người tàn tật năm 1998 đã quy định rõ cơ sở sản xuất, kinh doanh dành riêng cho người tàn tật được miễn thuế... Như vậy, việc Chi cục thuế quận Ninh Kiều "đánh" thuế tiêu thụ đặc biệt cơ sở xoa bóp Vạn Thọ - một cơ sở kinh doanh dành cho người khiếm thị - là có phù hợp với pháp luật?

C.L - N.K.C

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.