Người đàn bà nghèo viết văn dưới chân đèo Ngang

30/08/2006 22:13 GMT+7

Kỳ 1: Viết văn vì khổ quá! Người phụ nữ học chưa qua lớp 4, có số phận đầy cay đắng này đang trở thành "hiện tượng" trong làng văn với việc cho ra đời hàng loạt cuốn tiểu thuyết, kịch bản phim. Đánh dấu cho thành công ban đầu của chị là kịch bản phim truyền hình 18 tập Miền quê thức tỉnh, vừa được công chiếu trên VTV1. Chị là Đậu Nữ Vệ, một nông dân nghèo ở chân đèo Ngang thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Cô bé đen nhẻm tên Vệ ở làng Cảnh Dương (xã Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình) phải bỏ học lớp 4 giữa chừng vì trường phải sơ tán lên núi khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang hồi ác liệt. Năm 1965, Mỹ bắn phá dữ dội vào lạch Roòn, mới 10 tuổi, nhưng Vệ vẫn xin theo cha làm giao liên chở bộ đội và vũ khí qua cửa sông Loan sau làng. 7 năm làm giao liên, 2 lần cha con Vệ được làm lễ truy điệu sống để thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm phục vụ chiến đấu, nhưng may mắn, cả hai lần, hai cha con đều thoát chết.

Năm 1973, khi quân Mỹ rút khỏi lạch Roòn, Vệ đi học y tá và xin vào làm việc tại Bệnh viện Hà Lan (Quảng Trị). Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, năm 1980 chị lấy chồng, được 9 năm thì chồng mất. Một nách 2 con nhỏ với đồng lương y tá ít ỏi, chị buộc phải bỏ nghề ra chợ buôn cá. 2 năm buôn cá, người phụ nữ này chưa bao giờ được ăn một miếng thịt cá mà chỉ có món ruột cá ngừ xin về kho mặn vì phải dành tiền nuôi con. Bươn chải cơ cực nhưng chị vẫn chìm trong cái nghèo.

Không biết chia sẻ với ai nỗi khổ này, chị mua cây bút và cuốn sổ. Ban ngày bám chợ, đêm về chị ngồi viết. Chị viết tất cả những gì dồn nén trong lòng mình. Đó là thời điểm năm 1992.

Chị Vệ và căn nhà dưới chân đèo Ngang

Hơn 6 tháng sau, một buổi sáng trước khi đến chợ, chị cầm tập bản thảo viết tay dày cộm mà chị đã dồn hết nỗi cực khổ vào đó rồi đạp xe đến Sở Văn hóa  - Thông tin tỉnh Quảng Trị. Dựng chiếc xe đạp cà khổ bên tường, tay cầm nón, kẹp tập bản thảo vào nách, thấy một người đàn ông (sau này chị mới biết là ông Nguyễn Hữu Cử - Tạp chí Cửa Việt) vừa bước vào sân, chị chạy lại chặn đường, thưa: "Anh ơi, em có một tác phẩm muốn được thẩm định thì đưa cho ai". Ông Cử nhìn lướt qua người đàn bà mặc cái quần rách lai, đi chân đất, đội nón rách bốc mùi tanh cá, liếc nhìn chiếc xe đạp bám đầy ruồi, lắc đầu hỏi: "Chị là ai, làm gì, ở đâu?". "Dạ, em làm y tá ở trên bệnh viện tỉnh". "Y tá chi mà đi cái xe đạp ruồi bâu đầy như rứa ? Rứa chị học trường viết văn nào ?",  ông Cử hỏi. "Dạ em không học". "Rứa chị viết cái chi đó, đưa tui coi thử". "Dạ, em muốn viết tiểu thuyết. Đời em khổ quá anh ạ. Tất cả những nỗi đau khổ mà em đã trải qua em viết hết trong ni rồi, chỉ cần anh đọc qua cho em một lần là được".

Ông Cử miễn cưỡng chấp nhận, hẹn chị 10 ngày sau quay lại. Chị mừng như bán được mớ cá đắt. Lúc này, có 4-5 người khác làm trong sở cũng đến vây quanh, nhìn "người đàn bà gàn dở" đòi viết văn.

Đúng 10 ngày sau chị quay lại, ông Cử vồn vã mời chị vào phòng. Tập bản thảo được đánh giá là có nội dung hay, viết chắc tuy còn lộn xộn. Chị phấn khởi như bắt được vàng, khai trình độ văn hóa chưa hết lớp 4 và chưa bao giờ đọc tiểu thuyết vì không có sách. Ông Cử trố mắt ngạc nhiên. Tác phẩm được chị đặt tên là Thuyền tình ngược bến với câu chuyện tình đẹp, thánh thiện giữa cô giao liên tên Cẩm Vân và một anh bộ đội cũng tên Vân. Mối tình giữa họ liên tục gặp sóng gió và cuối cùng họ không đến được với nhau. Cô gái đã đến với một người đàn ông khác sau khi người này đã hãm hại đời cô, rồi bỏ cô lạc lõng, đơn độc giữa cuộc chiến với những người bên nhà chồng ích kỷ và tàn nhẫn. Cuộc đời Cẩm Vân chính là  những gì chị đã trải qua, một cuộc đời khốn khổ gần như đến tận cùng, còn hạnh phúc luôn vuột khỏi tầm tay.

"Đứa con đầu lòng" được viết với tất cả khát vọng nung nấu và những ước mơ ẩn kín đằng sau mỗi con chữ. Thế nhưng, Thuyền tình ngược bến cũng giống số phận của chị, long đong và quá nhiều trắc trở...

(Còn tiếp)

Khánh Hoan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.