Tên phi thuyền do thám không gian Orion của NASA đã bị rò rỉ

02/09/2006 14:35 GMT+7

31/8 là ngày NASA dự định công bố tên phi thuyền thế hệ mới Orion nhưng trước đó do "rò rỉ" thông tin, toàn thế giới đã biết tin này!

Sau khi Tổng thống Bush đề xướng chương trình tái chinh phục và dùng Mặt trăng làm căn cứ du hành sao Hỏa vào năm 2020, công việc của cơ quan hàng không vũ trụ NASA Mỹ ngày càng cấp tập.

Theo đó, đây là chương trình thay thế và tiếp nối chương trình phi thuyền Apollo trước đây và chương trình tàu con thoi hiện nay. Đặc biệt, cùng tham gia thực hiện có nhiều kỹ sư không gian gốc Việt, trong đó có TS Bruce Vu - tức Vũ Thành Long - hiện làm việc tại Trung tâm Không gian Kennedy. Anh và nhóm đồng nghiệp đảm nhiệm một phần trọng trách chế tạo phi thuyền "nhưng bây giờ chưa thể nói ra" như thư anh viết cho Thanh Niên.
 
Theo TS Bruce Vu, Orion sẽ là tàu không gian an toàn nhất và đáng tin cậy nhất cho những chuyến chinh phục không gian trong tương lai của NASA. Một khi được hoàn tất, phi thuyền  sẽ có đường kính 5m và trọng lượng vào khoảng 25 tấn. Dung tích bên trong sẽ lớn gấp 2,5 lần tàu Apollo để có thể chở 4 phi hành gia thám hiểm mặt trăng hoặc 6 người đến Trạm không gian quốc tế. Dự tính nếu không có gì trở ngại, chuyến bay đầu tiên lên trạm sẽ diễn ra vào năm 2014, lên Mặt trăng muộn nhất vào năm 2020.
 
Tuy nhiên, cũng theo TS Bruce Vu, cái tên Orion đã bị "rò rỉ" ngoài dự tính của NASA. Họ đã ấn định 31/8 là ngày họp báo và công bố cái tên mới này nhưng trước đây khoảng 1 tuần các hãng tin BBC và Reuters đã đưa tin! TS Bruce Vu giải thích: "Jeff Williams - phi hành gia đang lơ lửng trên Trạm không gian quốc tế - đã vô tình bật mí bí mật này trong khi thâu lại một đọan băng gửi xuống địa cầu. Lỗi không do Jeff vì anh ta không được thông báo trước về chuyện ngày 31/8 NASA mới công bố". Cũng theo TS Bruce Vu, Orion là tên của 1 chòm sao bao gồm 3 ngôi sao hợp lại thành vành đai Hunter. Đến khi Orion bắt đầu được thiết kế thì Atlantis và 2 phi thuyền con thoi còn lại gồm Endeavor và Discovery đã được về hưu, khoảng năm 2010.

TS Bruce Vu còn cho biết, ở Mỹ có 11 trung tâm NASA nằm rải rác khắp nước: Ames, JPL, và Dryden (California), Johnson (Texas), Kennedy (Florida), Glenn (Ohio), Goddard (Maryland), Langley (Virginia), Marshall (Alabama), Stennis (Mississippi), Headquarter (Washington, DC). Ở mỗi nơi đều có người Việt Nam  nắm giữ những chức vụ khác nhau như TS Trịnh Hữu Châu, TS Bùi Trí Trọng...

Theo TS Bruce Vu, các nhà khoa học Mỹ đang nỗ lực nghiên cứu chế biến nước và dưỡng khí từ các khoáng chất hiện có trên mặt trăng. Còn nhiên liệu hỏa tiễn thì "rất khả thi". Chúng tôi xin trích đăng một đoạn trong bài viết "Chinh phục Nguyệt cầu 2018" mà anh vừa gửi về Thanh Niên.

"...Dựa trên chương trình đang được theo đuổi, phi thuyền thế hệ mới của cơ quan NASA sẽ được đáp xuống Mặt Trăng vào năm 2018 và lần này con người sẽ lập căn cứ, dùng nơi đây làm bàn đạp để mở màn cho những chuyến du hành thám hiểm ở những hành tinh xa xôi hơn, như Sao Hỏa chẳng hạn. Vì phải sống và làm việc trên Mặt Trăng thời gian dài, chuyện chuyên chở nước và các bình dưỡng khí từ địa cầu rất tốn kém và không thực tế, do đó bắt buộc phải có một hệ thống biến chế nước và không khí từ các khoáng chất của Mặt Trăng. Hiện tại các nhà khoa học ở Mỹ đang nỗ lực nghiên cứu những công trình này.

Còn chuyện khai thác quặng mỏ của Mặt Trăng để biến chế chúng thành nhiên liệu hỏa tiễn thì rất khả thi. Từ cuối thập niên 60, qua những chuyến thám hiểm Nguyệt Cầu do Apollo thực hiện, con người đã khám phá ra lòng đất nơi đây có chứa rất nhiều khí oxy tiềm ẩn trong cát (silicate) và kim loại (metal oxides). Nếu có thể trích oxy lỏng từ các nguyên tố này thì động cơ nổ của phi thuyền, hiện tại dùng 86% hydro và oxy lỏng, sẽ có một nguồn nhiên liệu dồi dào đến từ Mặt Trăng. Còn phần động cơ phản lực dùng nhiên liệu chất rắn (solid propellant) cũng đã có sẵn trên Mặt Trăng, tiềm ẩn trong không khí và các thiên thạch, ở dạng bột nguyên tử kim loại (atomized metal powder)..."

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.