Trong tháng 9 và tháng 10 năm học này, các trường phổ thông trên toàn quốc sẽ tổ chức 3 cuộc thảo luận của học sinh, giáo viên và phụ huynh về các vấn đề: vì sao chống tiêu cực; biện pháp và mối quan hệ giữa phụ huynh-học sinh-nhà trường. Giữa tháng 9, Bộ GD-ĐT sẽ gửi các tiêu chí đánh giá thi đua cho các địa phương góp ý kiến. Cuối tháng 10, Bộ sẽ ban hành hệ thống thi đua cho toàn quốc, và sẽ không còn tình trạng các địa phương "kêu" Bộ đưa ra chỉ tiêu buộc các địa phương phải theo.
Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam Dương Trung Quốc: Cần một thái độ bình tâm để tìm lối đi cho giáo dục VN
Tôi cho rằng ông Nguyễn Thiện Nhân nhận cương vị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trong thời điểm rất khó khăn của ngành giáo dục, nên xã hội cần chia sẻ với ông. Cuộc vận động "Nói không với gian lận thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" là việc làm đầu tiên của ông ở cương vị mới rất đáng khâm phục, và để giải quyết được tận gốc những vấn đề đó quả là không dễ chút nào. Chống tiêu cực là phải thúc đẩy những nhân tố tích cực. Vậy tìm những nhân tố ấy ở đâu? Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo, vấn đề mấu chốt vẫn là đội ngũ giáo viên. Trong tay Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân có một đội ngũ giáo viên rất lớn, phức tạp, và có nhiều đặc thù khác nhau. Phải tạo được cho họ một cuộc sống ổn định là rất quan trọng, và đây chính là chìa khóa để ngành giáo dục có được nhiều nhân tố mới.
Đầu thế kỷ trước, cụ Phan Chu Trinh đưa ra khẩu hiệu: "Tri bằng học" (Phải đặt việc học lên hàng đầu). Đó là triết lý quan trọng thời bấy giờ: Học cái gì có ích. Làm cái gì có ích. Đầu thế kỷ này, chúng ta đứng trước sự hội nhập rất lớn với thế giới. Chúng ta phải xem xét lại các giá trị để tìm ra một lối đi mới. Bước đi đầu tiên của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân rất đáng khích lệ, nhưng muốn thay đổi căn bản những tồn tại trong ngành giáo dục cần phải có một thái độ bình tâm để tìm ra lối đi thích hợp cho giáo dục Việt Nam.
Giáo sư Phạm Phụ (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh): Cần xúc tiến cải cách giáo dục đại học
Năm học mới ngành giáo dục còn nhiều việc phải làm, trong đó cần phải quan tâm tới việc đổi mới giáo dục đại học. Ông cho biết: Nghị quyết 14 về đổi mới giáo dục đại học được ban hành từ cuối năm 2004, sau hơn 1 năm (cuối năm 2005) mới thành lập được ban chỉ đạo đổi mới nhưng gần đây do có sự thay đổi về nhân sự, công việc lại bị gián đoạn. Như vậy là sau gần 2 năm có nghị quyết mà ngành giáo dục chưa có được một chiến lược cụ thể để triển khai. Do vậy, năm học này, ngành cần tập trung nghiên cứu đưa ra đề án chi tiết để thực hiện và phải chỉ rõ: ai làm, khi nào làm và làm như thế nào? Theo tôi cần phải cải cách lại toàn bộ hệ thống giáo dục đại học chứ không còn gọi là đổi mới nữa vì có cải cách mới làm đồng bộ được, tránh tình trạng cứ đổi mới theo kiểu chắp vá thì không thành công được.
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Huỳnh Công Minh: "Sống có trách nhiệm"
Năm học mới 2006-2007, Sở GD-ĐT TP.HCM chọn chủ đề "Sống có trách nhiệm". Mục đích của chủ đề là giáo dục cho học sinh lòng tự trọng, có tinh thần trách nhiệm với bản thân, tự giác trong học tập, không gian lận trong thi cử, rèn luyện đạo đức tốt, có lối sống lành mạnh. Khơi dậy ý thức trách nhiệm trong mỗi học sinh, mỗi giáo viên, cán bộ quản lý đối với gia đình, cộng đồng, xã hội phải "dạy thật, học thật, thi thật"...
Cụ thể, ở mỗi lứa tuổi, ở từng bậc học, chủ đề "Sống có trách nhiệm" có nội dung thực hiện khác nhau: Đối với trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo Sở chỉ đạo chú ý quan tâm mối quan hệ thầy trò vì nó tác động đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Bậc tiểu học, nhà trường tổ chức thực hiện hoạt động dạy và học đến nơi, đến chốn, sát người sát việc vừa nâng cao chất lượng đào tạo, vừa hình thành, phát triển tinh thần trách nhiệm của học sinh. Còn giáo dục trung học thì phải đổi mới phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với lứa tuổi, nhà trường và gia đình tạo điều kiện cho học sinh nói điều hay làm việc tốt...
GS Văn Như Cương: Năm học mới đã có những tín hiệu đáng mừng
Năm học mới được mở đầu bằng một loạt những phanh phui tiêu cực, đó là tín hiệu đáng mừng, vì đây chính là đà thuận lợi để những người thực sự tâm huyết với giáo dục mạnh dạn tố cáo những tồn tại cần loại bỏ của ngành. Có những vấn đề tưởng như đã cũ, ai cũng biết như chuyện "chạy trường", nhưng không ai dám nói ra, vậy mà bây giờ đã có người dũng cảm phơi bày sự thật đường dây chạy trường ở TP.HCM. Thực tế thì việc "chạy trường" ở địa phương nào cũng có chứ không riêng gì TP.HCM. Về bản chất việc chạy trường cũng là gian lận. Muốn "chữa" được căn bệnh "chạy trường" và bệnh thành tích, toàn ngành giáo dục phải làm quyết liệt nhưng phải được sự đồng thuận của toàn xã hội, vì thực tế các trường bị một sức ép không nhỏ từ phía những người có "thế" và "lực" yêu cầu giải quyết cho con em họ. Do đó, không chỉ có ngành giáo dục, mà cả xã hội cũng phải tập trung giải quyết bài toán "Nói không với gian lận trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" trong năm học mới.
Chị Tôn Nữ Tố Loan, phụ huynh học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM: Hãy mang lại cho các em sự tự tin
Phần lớn lứa tuổi học sinh ngày nay rất khao khát học tập, tiếp thu kiến thức, đó là nhu cầu của chính bản thân các em. Là một phụ huynh, tôi vẫn rất lạc quan với nền giáo dục và chương trình đào tạo hiện nay. Nhà trường và gia đình luôn luôn dành cho các em những bài giảng hay, những thầy cô tận tâm và tạo mọi điều kiện để các em đạt được thật nhiều thành tích trong học tập. Tuy nhiên, chính những sự đầu tư, quan tâm đó, nếu không đúng mức rất dễ trở thành áp lực không nhỏ cho học sinh trong quá trình trau dồi kiến thức và nâng cao năng lực.
Do đó, nhà trường và gia đình không nên tạo sức ép cho học sinh, để cho các em học theo nhu cầu thì sẽ dễ dàng vượt qua các kỳ thi. Việc của chúng ta đó là giáo dục sao cho các em có sự tự tin vào bản thân, vào chính những kiến thức mà các em đã lĩnh hội. Với sự tự tin, với bản lĩnh của mình, các em sẽ học tốt, thi tốt mà không cần quay cóp, chạy trường...
V.Thơ - T.Hồng - B.Thanh (ghi)
Bình luận (0)