Ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia, Cơ quan đại diện thường trú ADB tại Việt Nam nhận xét: "Về mặt phát triển kinh tế, có thể nói Việt Nam là một ngôi sao của khu vực Đông Nam Á. Chính sự tăng trưởng trong đầu tư tư nhân, tiêu dùng và xuất khẩu tăng mạnh là những động lực thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam".
Ông Omkar Shrestha, nhà kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam nói: "Khi Việt Nam được coi là một ngôi sao thì cũng dẫn đến một thách thức khác là Việt Nam phải đáp ứng được sự kỳ vọng của mọi người. Nếu như Việt Nam đã là một nền kinh tế ngôi sao thì tại sao lại không cố gắng để trở thành một siêu sao (superstar)?". Ông Shrestha giải thích: "Với những điều kiện hiện nay mà nền kinh tế Việt Nam có được, các bạn có thể đạt cao hơn mức tăng trưởng kinh tế 8%. Các nền kinh tế khác trong khu vực có những điều kiện không tốt bằng còn có khả năng đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao: tại sao Việt Nam lại không thể đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn?". Theo ông Shrestha, 3 thách thức để Việt Nam có thể duy trì và đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng trong những năm tới là: việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn, nạn tham nhũng và việc sử dụng các nguồn lực.
Tuy nhiên, viễn cảnh sáng sủa mà ADB vẽ ra cho Việt Nam không thể làm các nhà quản lý kinh tế vĩ mô quên mất một thực tế kém phấn khởi hơn được Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra trong bản báo cáo công bố cùng ngày hôm qua. Theo "Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2007" của WB, Việt Nam vẫn nằm trong số 7 nền kinh tế Đông Á đã tiến hành cải cách ít nhất để nâng cao chỉ số xếp hạng "Mức độ thuận lợi trong kinh doanh" trong giai đoạn 1/1/2005-31/3/2006. WB nhận định, Việt Nam hiện vẫn là một nơi khó khăn cho hoạt động kinh doanh, xếp hạng 104/175 (năm 2005, Việt Nam đứng thứ 98) về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh. Đáng chú ý, bà Caralee Mc Liesh, Giám đốc Chương trình dự án báo cáo kinh doanh của WB nhận xét: "Theo đánh giá của năm trước, Việt Nam là một trong những nước tiến hành cải cách đối với môi trường kinh doanh tốt nhất trên thế giới. Tuy nhiên, tốc độ cải cách này đã chậm lại và đây là lý do làm Việt Nam tụt hạng".
Mặc dù vậy, WB vẫn dự đoán, Việt Nam sẽ cải thiện được thứ bậc của mình trong thời gian tới vì có nhiều luật lệ mới tiến bộ hơn như Luật Đầu tư chung, Luật Doanh nghiệp mới và một số luật sắp có hiệu lực như Luật Thuế xuất nhập khẩu, Luật Hải quan sửa đổi.
Hoàng Ly
Bình luận (0)