Giấy phép 3 ngày
Ông Nguyễn Thanh Kiếm, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, cho biết: Số diện tích rừng có các loại lóc lõi gỗ (gốc cây đã khô rụi, chỉ còn lại lõi ròng) chỉ có ở xã Hương Hữu. Đây là những diện tích đã được giao cho người dân chăm sóc, bảo vệ và hưởng lợi theo chủ trương giao đất, giao rừng của Nhà nước. Trước đó, do tình hình khai thác và mua bán các loại gỗ lóc lõi này diễn ra rất lộn xộn, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương, nên ngày 1.9, UBND huyện Nam Đông có văn bản cho phép thu mua gỗ lóc lõi tại xã Hương Hữu trong khoảng thời gian từ ngày 3 - 5.9. Việc cho phép tận thu này được giải thích để tránh tình trạng tranh mua, tranh bán lộn xộn tại địa bàn.
Khi chúng tôi hỏi vì sao gỗ mục lại được mua với giá cao đến hàng trăm triệu đồng, ông Kiếm khẳng định: "Làm gì có gỗ huê; trầm hương thì lại càng không phải". Thực chất nó là gỗ gì thì ông Kiếm cũng không biết được. Chỉ biết, đó là những gốc cây khô rụi, nằm dưới đất được người dân đào bới, tận thu để bán. Và việc mua bán loại gỗ này cũng chỉ mới "nóng lên" trong một thời gian ngắn gần đây.
Gỗ rụi đắt giá!
Sau khi có phép của UBND huyện Nam Đông, người dân đã kéo nhau lên đồi Cha Nghe tận thu lõi gỗ mục có giá trị cao về mặt hàng hóa. Điều đáng ngạc nhiên, hiện cả vùng đại ngàn Nam Đông chỉ có mỗi ngọn đồi Cha Nghe (xã Hương Hữu), rộng chưa đầy 1 ha, là tồn tại loại gỗ lóc lõi "đặc biệt", được tư thương săn mua với giá cao, ban đầu mỗi mét khối được thu mua với giá 7 triệu đồng, sau đó lên 30 triệu đồng và bây giờ đã lên đến 40 triệu đồng. Đồi Cha Nghe đang là nương rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Hương Hữu. Khi cây gỗ có giá trị bạc triệu tại đây được phát hiện, chỉ trong vòng vài ngày, ngọn đồi trọc đã bị đào bới, xới tung tan nát. Để ổn định tình hình, ngày 21.8.2006, UBND xã Hương Hữu đã có quyết định cấm khai thác loại gỗ khô lục, lóc lõi (trong văn bản ghi là gỗ quý hiếm) gửi về cho các thôn. Thế nhưng sau đó, khi có "giấy phép 3 ngày" của Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, thì quyết định của xã lập tức bị mất hiệu lực.
Gỗ rụi thực chất là gỗ gì?
Câu hỏi này được chúng tôi dành để hỏi ông Hoàng Phụng, Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Nam Đông, nhưng chỉ nhận được câu trả lời: "Theo "đồn miệng" của người dân và những người thu mua thì đây là gỗ huê, nhưng chúng tôi thì không biết nó là gì. Vừa qua, Hạt Kiểm lâm huyện đã mời Trường đại học Nông Lâm Huế lên lấy mẫu, lấy lá cây để giám định nhưng các thầy ở trường nông lâm vẫn chưa xác định được. Theo các thầy, muốn biết nó thuộc chủng loại gỗ gì phải chờ tới mùa ra trái. Hiện tại, khu rừng Cha Nghe, vẫn còn hai cây gỗ loại này đang còn sống, chúng tôi đã có phương án bảo vệ để giám định xem nó thuộc nhóm gỗ gì".
Ông Phụng cho biết, sở dĩ trong khu vực này chỉ còn sót lại hai cây gỗ "bí ẩn" là bởi ngay tại vị trí của nó có một người dân tộc tự vẫn chết, nên người dân sợ không dám chặt phá.
Hiện nay, người dân Hương Hữu đã tận thu gần 50 khối lõi gỗ mục, theo ước tính của Chủ tịch huyện Nam Đông có giá trị khoảng 1,5 tỉ đồng. Chuyện một vài người trúng tiền tỉ từ gỗ huê ở Hương Hữu là không có, nhưng việc mỗi gia đình thu lợi hơn chục triệu đồng từ lõi gỗ mục ở đồi Cha Nghe là có thật. Có trường hợp tận thu theo nhóm, bán tới 155 triệu đồng. Như vậy, trong khi chờ đợi các ngành chức năng giám định để biết nó thực chất là loại gỗ gì, có phải thuộc nhóm gỗ quý hay không và liệu nó có phải là tài nguyên quốc gia hay không, thì ở đây gỗ mục đã không còn...
B.N.L
Bình luận (0)