Không complet, cà vạt nới ra hết mức, áo ướt đẫm mồ hôi, ngài Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ đi gần như khắp hội trường và vui vẻ trả lời tất cả câu hỏi của các bạn trẻ.
Mở đầu buổi giao lưu, ông Paulson đã có ba lời khuyên với sinh viên kinh tế Việt Nam: "Thứ nhất, các bạn hãy luôn coi thay đổi là bạn đồng hành, đừng bao giờ ngại phải thay đổi. Việt Nam đang trong quá trình phát triển và thay đổi, điều đó lại càng quan trọng với các bạn. Thứ hai, hành trang cho mình là một tầm nhìn dài hạn, hãy kiên định với mục tiêu của mình. Thứ ba, hãy trang bị cho mình kiến thức hội nhập đầy đủ, nhưng quan trọng nhất là không được nhìn hội nhập với một con mắt khắt khe, phải có một cái nhìn toàn cảnh mà những giá trị của hội nhập đem lại".
Trao PNTR cho Việt Nam hoàn toàn có lợi cho Mỹ, tại sao Chính quyền Mỹ vẫn trì hoãn chưa kết thúc quá trình này, một bạn trẻ thắc mắc. Bộ trưởng Tài chính Mỹ phân bua: "Hầu như tất cả đều đồng ý trao PNTR cho Việt Nam sẽ đem lại lợi ích quan trọng cho cả hai nước, vấn đề chỉ là mặt kỹ thuật, các bạn biết đấy đây đang là mùa bầu cử Quốc hội Mỹ".
Tại sao ông từ bỏ mức lương 38 triệu USD/năm ở Goldman Sachs để về làm việc cho ông Bush với mức lương 200.000 USD/năm, một sinh viên dí dỏm hỏi. Cựu Tổng giám đốc Goldman Sachs trả lời: "Đã đến lúc tôi nghĩ phải thay đổi môi trường và đóng góp lớn hơn cho đất nước tôi, tôi nghĩ mình đã chọn đúng thời điểm, tiền đôi khi không phải là tất cả".
Trước rất nhiều câu hỏi của sinh viên về kinh nghiệm thành công của bản thân, một CEO lớn, một triệu phú thành đạt của Mỹ, ông Paulson chia sẻ: dù làm gì và ở trên cương vị nào cũng phải cân bằng giữa công việc và đời sống. Rất nhiều người đã đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp nhưng trong cuộc sống gia đình lại rất thất vọng. Ngoài ra, có những vấn đề quan trọng hơn tiền, đó chính là sự học hỏi thường xuyên và học tập có thể đảm bảo thành công trong tương lai. "Khi suy nghĩ vấn đề gì hãy suy nghĩ sáng tạo. Các bạn cũng nên học cách thể hiện quan điểm bằng lời nói, văn bản và quan trọng hơn cả là bằng việc làm", Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ nói thêm.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson chính thức nhậm chức ngày 10.7.2006, trở thành Bộ trưởng Tài chính thứ 3 trong chính quyền của Tổng thống George W.Bush và là Bộ trưởng Tài chính thứ 74 của Mỹ. Từ tháng 5.1999 đến khi nhận chức bộ trưởng, ông Paulson là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Goldman Sachs. Đây được coi là một trong những công ty tài chính hàng đầu trên thế giới với lợi nhuận ròng đạt 5,63 tỉ USD trong năm 2005 và 2,45 tỉ USD chỉ riêng trong quý 1 năm 2006. Ông Henry Paulson nổi tiếng là một triệu phú giàu có. Năm 2005, tổng thu nhập của ông là 38 triệu USD (cả lương lẫn thưởng), còn về làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ, ông chỉ nhận tiền lương khoảng 200.000 USD/năm. Không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực tài chính, Paulson còn được biết đến ở phố Wall vì những đóng góp của ông trong việc gìn giữ môi trường. Đầu năm nay, ông đã tặng món quà trị giá 100 triệu USD bằng cổ phiếu của Goldman cho một quỹ hoạt động trong lĩnh vực môi trường. |
Khi nói đến nền kinh tế Việt Nam, vị Bộ trưởng Hoa Kỳ nhấn mạnh: "Nếu các bạn mạnh dạn cải cách sẽ thành công”. Theo ông Paulson, VN đang trong quá trình gia nhập vào thị trường vốn tài chính toàn cầu, sự thay đổi và cải cách là một điều tất yếu. Tuy nhiên khó khăn chính là cải cách thế nào. Với kinh nghiệm của mình, ông cho rằng, mỗi khi một chính sách mới được đưa ra sẽ luôn nhận được sự phản kháng của một số người. Đó là điều không thể tránh khỏi, song quan trọng là phải vượt qua để đạt được những tiến bộ nhất định.
Các sinh viên cũng bày tỏ nhiều băn khoăn về việc khi VN trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các doanh nghiệp VN có đủ sức cạnh tranh hay không ? Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ trấn an: "Gia nhập WTO là một bước đi rất quan trọng và cạnh tranh là yếu tố cần thiết để các doanh nghiệp trưởng thành hơn. Kinh nghiệm cho thấy, cạnh tranh chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích bởi nó chính là động lực, là sức ép để doanh nghiệp không ngừng sáng tạo và cải tiến. Ở Mỹ cũng như bất kỳ quốc gia nào khác, doanh nghiệp luôn muốn có ai đó để ganh đua, so tài và đấy chính là yếu tố thúc đẩy kinh tế phát triển".
Đến VN lần đầu tiên vào năm 1994 với chuyến thăm Hà Nội và TP.HCM, ông Henry cho biết lần đến VN này điều ấn tượng nhất với ông chính là sự cải cách của nền kinh tế VN. Tuy nhiên, ông cho rằng VN vẫn phải mạnh dạn cải cách hơn nữa, đặc biệt là trong lĩnh vực pháp lý và thủ tục hành chính. "Nếu chúng ta cứ vẽ những đường dài trong các thủ tục thì càng tạo ra nhiều cơ hội cho tiêu cực xảy ra", ông nhấn mạnh.
X.D
Bình luận (0)