Bởi vì bắt đầu từ năm 1940 trở đi, thời thế đã có những dấu hiệu cho thấy sẽ có sự thay đổi lớn. Nhưng thay đổi theo hướng nào thì không phải ai cũng nhận ra được. Sự ngột ngạt khó chịu khiến người ta muốn thoát ra khỏi nơi chốn quá quen thuộc của mình. Sinh kế chỉ là một. Phần còn lại là ước muốn tự giải thoát mình khỏi sự bế tắc trong tư tưởng.
Với Nguyễn Bính, ngoài tâm trạng chung đó ra, ông còn là một nhà thơ thèm đi từ trong máu thịt. Ông muốn đi, muốn đến, muốn lang thang khắp đất trời:
Nửa đêm nghe tiếng còi tàu/Ngày mai ta lại bắt đầu ra đi/Sông ngang núi trái quản gì(Nửa đêm nghe tiếng còi tàu)
Vì thế vào tháng 9/1943, Nguyễn Bính cùng Tô Hoài, Vũ Trọng Can rủ nhau làm chuyến "hành phương Nam". Đây là chuyến đi thứ hai của Nguyễn Bính nhưng với Tô Hoài thì là chuyến đầu tiên. Trước đó, vào khoảng năm 1939 Nguyễn Bính đã đến Sài Gòn, lê gót ở Chợ Quán, Đa Kao rồi về Biên Hòa, Mỹ Tho, Vĩnh Long.
Đến Sài thành trong một chuyến tàu chiều ngơ ngác, "nhà văn của những chú dế mèn" đã cảm thấy choáng ngợp khi nhìn cảnh "người ăn uống rào rào như tằm ăn rỗi" ở cái bùng binh trước chợ Bến Thành. Tuy thế ba chàng văn thi sĩ vẫn quyết tâm "kiếm ăn lương thiện". Nhưng cuối cùng phải chia tay nhau, hai chàng văn sĩ xuôi về Bắc, chỉ còn một mình Nguyễn Bính ở lại. Là vì thật ra không có máu giang hồ cũng khó mà lăn lóc nơi xứ người.
Giang hồ còn lại mình tôi/Quê người đắng khói, quê người cay men
Nam Kỳ rồi lại Cao Miên/Tắm trong một cái biển tiền người ta
Biển tiền, ôi biển bao la/Mình không bẩn được vẫn là tay không (Thôn Vân)
Mấy câu thơ này Nguyễn Bính viết tặng Bùi Hạnh Cẩn trong một lần chia tay người bạn thơ đồng thời là người anh em cô cậu nhưng nó cũng nói lên tâm trạng của ông trong nhiều cuộc chia tay với các bạn hữu văn nghệ khác như Tô Hoài, Vũ Trọng Can.
Tuy vậy ở lại Nam Kỳ, Nguyễn Bính cũng không phải đến nỗi là "giang hồ còn lại mình tôi". Ông được nhiều anh em văn nghệ sĩ đón nhận thật chân tình. Lại viết báo, làm thơ để kiếm sống như thời kỳ ở Hà Nội. Sài Gòn từ khá lâu đã dần vươn lên để trở thành một trung tâm văn hóa của phía Nam, không thua kém Hà Nội là mấy. Vì thế nên nhiều văn nghệ sĩ đất Bắc tìm thấy ở đây đất dụng võ. Trước đó Tản Đà, Ngô Tất Tố cũng đã từng bỏ đất Bắc vào Sài Gòn - cái nơi mà Nguyễn Bính nhận xét là Kinh kỳ bụi quá xuân không đến (Xóm dừa) - kiếm sống bằng nghề viết lách.
Nguyễn Bính đến ở với các bạn hữu trong một căn nhà thuê bằng gỗ nhỏ lợp ngói ở khu vực đường Nguyễn Văn Cừ, Q.1, TP.HCM ngày nay. Căn nhà có vườn hoa cùng cây ăn trái bao bọc chung quanh. Nguyễn Bính thích thú đặt tên cho nơi ở này là Lan Chi Viên. Từ khi Nguyễn Bính đến ở, nhiều anh em văn nghệ thường ghé chơi vườn nhỏ Lan Chi để chuyện trò về văn chương, thế sự. Ngoài ra, còn có một số sinh viên học sinh yêu mến Nguyễn Bính, tác giả Lỡ bước sang ngang, cũng thường xuyên lui tới.
Vào thời gian đó, thơ Nguyễn Bính là một thứ thời thượng của báo chí. Nhiều tờ báo muốn có thơ ông để đăng. Có một lần chủ nhiệm tờ Dân Báo thông qua một người đặt Nguyễn Bính viết một bài thơ để đăng vào số đặc biệt. Đó là bài Xóm dừa. Bài thơ không thuộc loại quá đặc sắc như một số bài thơ đã dẫn tuy nhiên nó lại liên quan đến một câu chuyện thú vị, cho ta thấy một phần tính cách của Nguyễn Bính. Hoàng Tấn cho biết, khổ thơ thứ hai của bài thơ này nguyên gốc Nguyễn Bính viết như sau:
Ở mãi kinh kỳ với bút nghiên/Đêm đêm quán trọ thức thi đèn
Làm thơ bán lẻ cho thiên hạ/Thiên hạ đem thơ đọ với tiền
Khổ thơ này, khi đem đến tòa soạn thì ông chủ nhiệm không đồng ý. Là vì hai câu thơ cuối có vẻ ám chỉ. Ông đề nghị sửa hai câu này nhưng Nguyễn Bính nhất định không chịu sửa. Căng thẳng xảy ra. Nhưng bởi tờ báo đã lỡ quảng cáo trong số đặc biệt sẽ có bài thơ của Nguyễn Bính, nên nếu rút bài thơ ra thì không được mà để như thế cũng không ổn. Người môi giới "bán thơ" cho Nguyễn Bính là Tế Xuyên, vốn cũng là anh em văn nghệ chơi thân với nhau, phải đến thuyết phục mãi thì Nguyễn Bính mới chịu sửa lại khổ thơ này.
Ở Lan Chi Viên mãi cũng cảm thấy chán. Căn bệnh thèm đi lại nổi lên. Cũng như thời kỳ ở Hà Nội vào những năm 1936 - 1939, Nguyễn Bính cũng chỉ muốn xem Sài Gòn như là một "đại bản doanh" để từ đó thực hiện những chuyến đi ra các vùng xa như Đông Nam Bộ hoặc Tây Nam Bộ mà thôi. Nguyễn Bính cũng đã làm vài chuyến loanh quanh Sài Gòn rồi. Có lúc đi vài ba ngày, có lúc đi cả tuần mới về lại chỗ trọ. Một hôm Nguyễn Bính nhận được một phong thư từ xứ Hà Tiên gửi đến Lan Chi Viên. Đó là thư của thi sĩ Đông Hồ, mời Nguyễn Bính về miền đất cuối cùng đất nước để thăm chơi. Vài hôm sau, Nguyễn Bính khăn gói lên đường.
Tại Hà Tiên, Nguyễn Bính bắt tay vào sáng tác một trường ca, lấy cảm hứng từ cô cháu gái của Mộng Tuyết. Chẳng rõ thế nào mà nửa đường đứt gánh, Nguyễn Bính vội vã bỏ xứ Hà Tiên, bỏ luôn trường ca đang dang dở, ai cản thế nào cũng không được. Theo nữ sĩ Mộng Tuyết thì trường ca lấy tên một loài cây là Thạch sương bồ, Nguyễn Bính đã viết được đến mấy trăm trang. Có lẽ do nhân vật gợi nên cảm hứng cho ông là cô cháu gái của nữ sĩ Mộng Tuyết đỏng đảnh sao đó khiến ông không còn cảm hứng để viết tiếp. Kể lại chuyện này, nhà thơ Mộng Tuyết vẫn lấy làm tiếc.
Từ giã Hà Tiên, Nguyễn Bính lại quay về Lan Chi Viên để tiếp tục làm thơ viết báo. Và những vần thơ hay lại tiếp tục ra đời để ngày nay còn lại với chúng ta. (còn tiếp)
Trần Đình Thu
Bình luận (0)