Chuyện tình của một thương binh nặng
Bà Trần Thị Tiến năm nay đã 58 tuổi. Cuộc đời lam lũ ở một vùng nông thôn nghèo đã làm cho bà già đi trước tuổi. Bên một đĩa khoai lang luộc chấm đậu phộng giã nhỏ đãi khách, bà bỗng như trẻ ra khi kể lại ngày mới hẹn hò với ông Xuân ba mươi năm trước. Thực ra, trước đó bà đã từ chối các câu hỏi bằng một chữ cộc lốc: "Dị òm!", rồi bỏ xuống bếp.
Khi đó, ông Xuân vừa từ miền Bắc trở về với chiếc nạng gỗ. Cái chân phải bị cưa gần tới háng. Với trình độ mới học lớp 6 bổ túc, vừa về đến địa phương sau ngày giải phóng, ông Xuân lại được cử làm Phó chủ tịch kiêm Trưởng công an xã và bí thư Đoàn. Còn bà Tiến là con liệt sĩ được phân công làm công tác vận động thanh niên. Được mọi người "cáp đôi" nhưng cũng có người lo ngại vì thương tật của ông Xuân. Ông Xuân lại mang tiếng là người đã có một đời vợ, nên "thương ổng cũng oái ăm lắm!" - bà Tiến kể. Thế là họ hẹn hò nhau bằng cách bí thư Đoàn gửi liên tục các giấy triệu tập họp cho chị cán bộ thanh niên vận. Các "cuộc họp" như vậy thường diễn ra ở bìa rừng Bồng đầu thôn hoặc những nơi vắng vẻ và chỉ có hai người với nhau để tránh sự dòm ngó.
Tôi nói vui với ông Xuân: "Vậy là ngay từ năm 1975 anh đã lợi dụng chức vụ và quyền hạn và gây hậu quả nghiêm trọng rồi phải không?". Ông Xuân cười rồi phân trần: "Các anh lãnh đạo xã thì ủng hộ tụi tui, nhưng gia đình bả thì sợ thằng cụt chân này không mần ăn ra gì, nên chỉ bằng cách đó mới được anh ạ!".
Còn chuyện đời vợ trước?
Trước mặt bà Tiến, ông Xuân kể rằng ông cưới vợ năm mới hai mươi tuổi. Cưới được hai ngày thì ông bị thương rồi bị tù. Người phụ nữ chưa một lần chung chăn gối với chồng ấy sau đó đã hy sinh. "Còn bà này"- ông chỉ sang vợ: "Cha bà ấy nguyên là lãnh đạo của tui hồi chiến tranh, hồi đó bả cứ kêu tui là chú mặc dù chỉ nhỏ hơn tui có 5 tuổi. Từ chú mà chuyển qua chồng đâu có dễ...". Thế nhưng bà Tiến sau đó đã sinh cho ông Xuân hai cậu con trai liên tiếp và sau đó lại... lỡ thêm một cô con gái xinh đẹp nữa.
Ông Xuân quay lại chuyện chiến tranh: Sau khi bị thương trong một trận chống càn, xã đội phó Đoàn Văn Xuân bị thương nặng và bị bắt. Trực thăng Mỹ chở ông đến căn cứ núi Quế, rồi chuyển tiếp ra bệnh viện dã chiến ở căn cứ Nước Mặn. Cái chân bị thương phải cưa đến hai lần mới thôi. Rồi sau đó là các trại giam Biên Hòa, đảo Phú Quốc... Được chi bộ nhà tù cử ra đấu tranh cải thiện điều kiện sinh hoạt, ông nhiều phen bị hành hạ đến thập tử nhất sinh. Sau Hiệp định Paris năm 1973, ông được trao trả đợt đầu ở Lộc Ninh rồi ra Bắc an dưỡng. Hai năm đó ở Thanh Hóa, ông Xuân đã "nâng trình độ" của mình từ lớp 4 lên lớp 6 với danh hiệu học sinh giỏi toán.
Chăn bò để nuôi con vào đại học
Cái xứ Tú Trà ngày ấy chưa có nước thủy lợi, mùa màng do vậy được chăng hay chớ, do trời quyết định. Thương binh nặng Đoàn Văn Xuân lại được tín nhiệm bầu làm Trưởng công an xã đến năm 1979 rồi 7 năm tiếp theo là Bí thư chi bộ của Hợp tác xã nông nghiệp và Trưởng ban kiểm tra Đảng. Đến nỗi, khi chống nạng vào nhà thương nuôi vợ đẻ lại bị té gãy tay mà về địa phương cũng không rảnh việc. Mọi việc nhà đều do một tay bà Tiến. Được cái là ông Xuân đi nhiều, tiếp thu nhanh nên lúc nào ở nhà ông đều tập trung cho các con, tổ chức cho chúng góc học tập, động viên chúng về con đường tiến thân. Ông kể chuyện thằng con trai đầu Đoàn Trung Đông lúc học lớp 9 không giải được bài toán hình học không gian hoặc một phương trình bậc hai khó thì "cựu học sinh bổ túc lớp 6" lại kéo con ra sân, lấy cục than vẽ hình và chỉ cho con cách làm bài. Sau này, cậu em Đoàn Trung Quân và cô út Ngọc Anh đều trở thành học sinh giỏi cấp huyện và tiếp bước anh thi đỗ vào đại học đều nhờ vào sự chăm sóc tuy ít ỏi nhưng hiệu quả của cha.
"Chỉ ăn khoai, ăn sắn; những đêm mùa đông cả nhà nằm chung một trã (nồi) lửa để chia nhau cái ấm, mỗi ngày một buổi đi giữ bò, nhưng chúng đều học giỏi cả!"- Bà Tiến nói một cách hãnh diện. Còn ông Xuân thì nhớ lại: "Vợ chồng tui nuôi được năm con bò, cứ mỗi đứa đi thi đại học thì tui bán một con làm chi phí. Năm thằng Quân thi đậu hai trường Học viện Quân sự và Tổng hợp Hóa ngoài Huế, nó viết thư về nói bò người ta chỉ để kéo cày, còn bò của ba đã cho mấy anh em nó vượt cả đèo Hải Vân lên đại học!". Cô út Ngọc Anh tuổi Quý Hợi giờ là giáo viên toán cấp ba Trường Nguyễn Văn Cừ huyện Quế Sơn. Cả ba đứa con của ông Xuân, bà Tiến giờ đã nên người, nhưng nói theo cách của anh Võ Huấn, Chủ tịch UBND xã Bình Chánh hôm chuẩn bị lễ đón danh hiệu anh hùng của xã: "Tui ghiền ba đứa con của ông Xuân quá anh ơi! Học giỏi nhất xã, mà mỗi lần về quê, gặp ai chúng cũng vòng tay cúi đầu chào hỏi rất tử tế...".
"Vợ chồng què mẻ tụi tui có bao giờ dám mơ ba đứa con mình lại tốt nghiệp đến đại học đâu anh!". Người đàn bà gầy còm ấy tiễn khách ra ngõ, trong lúc đứng nhìn chồng vừa chống nạng vừa dọn bờ đám ruộng trước nhà, đã nói một câu thật tình đến tận đáy lòng như vậy. Câu nói ấy của bà và tiếng ve inh ỏi như một bản hòa âm trên những con đường làng Bình Chánh cứ vang vang mãi, cho đến khi tôi ngồi viết những dòng này.
H.T
Bình luận (0)