Người dân phải chi tiền rà phá bom mìn?

13/09/2006 23:24 GMT+7

Báo Thanh Niên ngày 13/9 đăng bài Một gia đình sống trên hầm lựu đạn 30 năm thì ngay trong sáng cùng ngày, Quận đội Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) đã cử lực lượng xuống hiện trường để thu gom số lựu đạn đã lộ ra và bàn giao cho ban vũ khí Thành đội.

Nhưng khi gia đình bà Thanh trình bày nguyện vọng tiếp tục rà soát xem khu vực trong gia đình bà còn số vũ khí nào không thì nhận được câu trả lời "phải ký hợp đồng rà phá bom mìn mới tiếp tục rà, còn nhiệm vụ của chúng tôi như vậy là hết!".

PV Thanh Niên đã tìm đến Ban chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng để tìm một lời giải thích thỏa đáng về “hợp đồng rà phá bom mìn” trên. Đại tá Nguyễn Thành Công - Phó chỉ huy trưởng tham mưu Bộ chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng đã khẳng định một cách quyết liệt: "Không hề có chuyện người dân phải chịu bất kỳ chi phí nào trong việc tháo dỡ cũng như rà phá bom mìn trong khu vực nhà mình. Việc người dân phát hiện vũ khí và báo cáo cho chính quyền, lực lượng quân sự gần nhất là rất đáng biểu dương.  Khi báo cáo lên Bộ chỉ huy quân sự thành phố chúng tôi sẽ cử lực lượng công binh đến ngay lập tức, bất cứ thời gian nào, để bảo đảm an toàn cho người dân. Và dĩ nhiên, tôi khẳng định lại, không hề tốn một đồng kinh phí nào khi người dân yêu cầu rà soát bom mìn trong nhà mình".

Đại tá Công cho rằng, việc có người đòi hỏi người dân phải "hợp đồng" như sự việc nêu trên là do những cá nhân tự phát, Bộ chỉ huy quân sự thành phố sẽ làm việc với Quận đội để xử lý nghiêm. Đại tá Công đã trực tiếp liên hệ với gia đình bà Thanh và hứa sẽ đáp ứng nguyện vọng rà soát bom mìn trong khuôn viên gia đình bà trong khoảng thời gian nhanh nhất.

Theo đại tá Công, cấp Quận đội đã không báo cáo vụ việc này và sáng 13/9, khi đọc báo, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố mới biết. Trong khi đó, theo quy trình, ngay khi người dân cấp báo cho cơ quan quân sự gần nhất, cơ quan này phải có nhiệm vụ kiểm tra, xử lý, nếu thấy tình hình nguy hiểm, phải lập tức báo cáo lên cấp TP để Bộ chỉ huy quân sự TP cử Ban công binh- đơn vị có những kỹ thuật và thiết bị chuyên dụng để xử lý. Nếu phải để lâu chưa xử lý kịp trong khoảng thời gian ngắn, cơ quan chức năng phải cắt cử người đến canh phòng, tối thiểu phải khoanh vùng báo nguy hiểm đề phòng và bảo đảm an toàn cho người dân.

Rõ ràng, với vụ việc trên, cơ quan quân sự gần nhất mà gia đình bà Thanh đến báo đã không hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ của mình!

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.