Khai khống để "chạy" giấy phép
Ngày 17.7.2003, Chính phủ ban hành Nghị định 81/2003/NĐ-CP về việc Quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động về người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài. Tại điều 9, những điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động ghi rõ: "Doanh nghiệp phải có vốn điều lệ từ 5 tỉ đồng trở lên, có trụ sở làm việc ổn định, cơ sở đào tạo - giáo dục định hướng cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài...". Nhưng thực tế, Công ty DVXKLĐ&CG Thanh Hóa "đạt"... 2 không: không trụ sở, không có cơ sở đào tạo, giáo dục...
Chưa hết, để có được số vốn 5 tỉ đồng - là điều kiện cần để có được giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động, ngày 14.12.2004, Sở Tài chính Thanh Hóa đã ra văn bản gửi Bộ LĐ-TB-XH xác nhận: "Vốn điều lệ của công ty hiện tại là 5 tỉ đồng. Như vậy vốn điều lệ của công ty đảm bảo điều kiện theo Nghị định số 81/2003/NĐ-CP...". Chính từ văn bản này cùng với đơn xin bổ sung vốn điều lệ của Công ty DVXKLĐ&CG Thanh Hóa do quyền Giám đốc Công ty Lê Hồng Lâm ký gửi Sở KH-ĐT Thanh Hóa mà ngày 26.1.2005, Bộ LĐ-TB-XH đã cấp giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động số 126/LĐTBXH-GPXKLĐ.
Qua điều tra của chúng tôi, mặc dù làm ăn không có hiệu quả và sai phạm nghiêm trọng xảy ra (xem TN số 69 ngày 10.3.2006) nhưng đơn vị này vẫn được UBND tỉnh Thanh Hóa "hà hơi tiếp sức". Xin dẫn: ngày 10.12.2004, ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết định số 3989/QĐ-CT bổ sung 1 tỉ đồng vốn điều lệ cho đơn vị này. Trước đó, vào thời điểm đăng ký kinh doanh sau khi thành lập doanh nghiệp (25.1.2000) đơn vị này cũng được cấp vốn 1 tỉ đồng. Như vậy, cho đến thời điểm hiện nay, Công ty DVXKLĐ&CG Thanh Hóa chỉ có 2 tỉ đồng vốn điều lệ. Như vậy, không rõ là trước khi cấp giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động Bộ LĐ-TB-XH có thẩm định, hay chỉ nghe báo cáo?
Cần một cuộc "đại phẫu"
Sau 5 năm ra đời, Công ty DVXKLĐ&CG Thanh Hóa làm ăn không hiệu quả mà còn để lại nhiều tai tiếng. Sai phạm về kinh tế trên 2,3 tỉ đồng và gần 71 nghìn Đài tệ, đặc biệt là khoản tiền trên 8,7 tỉ đồng ở chi nhánh Hà Nội do ông Lê Văn Minh làm giám đốc gây ra đến nay vẫn chưa được làm rõ. Với cương vị là Bí thư Chi bộ đồng thời giữ quyền Giám đốc công ty, Lê Hồng Lâm đã "làm mưa làm gió". Có thời kỳ trong suốt gần 1 năm ông Lâm không triệu tập họp chi bộ, đại hội chi bộ ông không cho bầu bí thư để mình tiếp tục làm. Về mặt tổ chức nhân sự, ông Lâm còn tự ý cách chức Trưởng phòng Tổ chức và Trưởng phòng Cung ứng lao động và niêm phong phòng làm việc của hai ông này lại (!).
Gần đây được sự chỉ đạo của cấp trên, Chi bộ Công ty DVXK LĐ&CG Thanh Hóa đã họp kiểm điểm trách nhiệm Bí thư Chi bộ, đa số đảng viên trong chi bộ đồng ý khai trừ ông Lâm ra khỏi Đảng. Và ngày 22.6 vừa qua, Đảng bộ Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thanh Hóa đã công bố quyết định cách chức cấp ủy và Bí thư Chi bộ của ông Lê Hồng Lâm.
Thiết nghĩ những biện pháp xử lý kỷ luật đối với một số cán bộ chủ chốt ở Công ty DVXKLĐ&CG Thanh Hóa là cần thiết. Nhưng, để đơn vị này làm tốt công tác xuất khẩu lao động ở một tỉnh như Thanh Hóa rất cần một cuộc "đại phẫu" để mổ xẻ những sai phạm một cách quyết liệt hơn.
V.A
Bình luận (0)