Các phương tiện thông tin đại chúng hôm qua đều cho biết thủ tướng bị lật đổ của Thái Lan Thaksin Shinawatra đã thừa nhận kết quả của cuộc đảo chính. Ông nói rằng mình có kế hoạch "nghỉ ngơi". Đây không phải là lần đầu tiên ông Thaksin nói về việc rời xa chính trường. Hồi tháng 4, trước những áp lực của phe đối lập, ông đã trao lại quyền lực cho Phó thủ tướng Chidchai Vanasatidya. Tuy nhiên, sau khi chu du một vòng quanh thế giới, ông đã trở lại dinh Thủ tướng Thái Lan. Thế nên, giờ đây khi ông Thaksin tuyên bố muốn nghỉ ngơi, người ta lại nghi ngờ. Tất nhiên trong hoàn cảnh hiện nay, ông Thaksin không thể quyết định được sự trở lại của mình, nhưng tham vọng quyền lực còn âm ỉ có thể sẽ thôi thúc ông tham gia chính trường một khi cơ hội đến.
Hôm 20/9 vừa rồi, sau khi thấy biến cố trong nước là không thể đảo ngược, ông Thaksin đã thốt lên: "Tôi không ngờ tình hình lại diễn biến như vậy". Tuy nhiên, theo Báo The Nation của Thái Lan thì ông đã chuẩn bị kỹ càng để có thể chủ động khi hoàn cảnh xấu đi. Tờ báo độc lập này cho biết ông đã lệnh cho người dưới quyền chuẩn bị lực lượng để tuần hành tại Bangkok trong ngày 19/9 sau khi được tin Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD) có kế hoạch tuần hành chống chính phủ vào ngày đó. Ông Thaksin còn chuẩn bị cả việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp từ New York (Mỹ) trong trường hợp người ủng hộ ông và phe PAD đụng độ. Bên cạnh lực lượng dân sự, ông còn ủy nhiệm cho Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Yongyuth thành lập các đội biệt kích gồm hàng ngàn tay súng để đề phòng bạo động xảy ra. Theo kế hoạch trước đây thì ông Thaksin sẽ trở về nước vào ngày 21/9, lúc người của ông đã kiểm soát được toàn bộ tình hình. Sau đó, ông sẽ "thay máu" quân đội để biến lực lượng này thành đội quân trung thành với mình. Tuy nhiên, kế hoạch đó đã thất bại bởi cuộc đảo chính "ngoài dự kiến" vừa qua. Đội quân do ông Yongyuth tổ chức đã bị thủ lĩnh đảo chính, tướng Sondhi, giải giáp vào hôm qua.
Những thông tin vừa được tiết lộ trên đây nói lên phần nào tham vọng quyền lực của ông Thaksin. Vì thế thật khó có thể tin rằng cựu Thủ tướng Thái Lan đã chấp nhận phải ra đi dễ dàng như thế. Một số tờ báo cho biết ông Thaksin và người ủng hộ ông đang lập một chính phủ lưu vong để tìm cách giành lại quyền lực. Tuy nhiên, bước đi này có thể không được thực hiện trong hoàn cảnh mà uy tín của Thaksin ở trong nước đã giảm sút nghiêm trọng như hiện nay, kể cả tại các vùng nông thôn vốn luôn ủng hộ ông. Từ thực tế đó, có thể nhận thấy rằng việc vội vã phản công là không có lợi. Có thể ông Thaksin và những người ủng hộ sẽ tạm thời "án binh" để củng cố lại uy tín cho đảng Thai Rak Thai, hướng tới cuộc bầu cử được dự tính sẽ diễn ra sau 1 năm nữa. Điều kiện cần cho kế hoạch này là vị cựu thủ tướng và các cộng sự của ông không phải ra hầu tòa vì các cáo buộc tham nhũng, lạm quyền.
Đ.H
Bình luận (0)