Hành quyết vì danh dự trong thế giới Hồi giáo

23/09/2006 22:54 GMT+7

Một ngày nọ, cô bé Derya nhận được bản án tử hình qua tin nhắn điện thoại di động: "Mày đã bôi đen danh dự gia đình. Hãy tự sát đi để rửa sạch vết nhơ đó! nếu không chúng tao sẽ giết mày". Người viết tin nhắn là chú ruột của cô.

Bản án tử hình

Derya không phải là trường hợp cá biệt tại làng Batman nói riêng và đất nước Thổ Nhĩ Kỳ nói chung bị buộc phải chết vì đã làm "ô uế danh dự gia đình". Cô đã phạm tội gì? Đó là tội yêu một chàng trai mà cô gặp tại trường hồi đầu năm nay. Với một nữ sinh 17 tuổi, chuyện yêu đương hẹn hò chẳng có gì là nghiêm trọng cả. Tuy nhiên, trong một số cộng đồng Hồi giáo bảo thủ tại Thổ Nhĩ Kỳ, hành động của Derya bị coi là trọng tội và cô phải chết. Trước đây, người cô ruột của Derya cũng đã bị ông nội cô giết chết chỉ vì tội dám hẹn hò. Dù biết bi kịch khủng khiếp đó, nhưng việc cưỡng lại vị thần tình ái đối với Derya chẳng dễ chút nào. Cô vẫn cứ nhắm mắt và dấn bước vào cuộc phiêu lưu.

Khi chuyện tình cảm của Derya đến tai gia đình, mẹ cô cảnh báo: "Cha con có thể giết chết con đấy". Derya đời nào chịu nghe. Thế là những "tin nhắn của tử thần" liên tục được các anh em trai gửi đến điện thoại di động của cô. Có ngày cô nhận tới 15 tin nhắn. Điều đó đã vượt quá sức chịu đựng của cô. Derya nói rằng cô không còn con đường nào khác ngoài việc chọn cái chết theo nguyện vọng của gia đình, một phần do xấu hổ, một phần  vì thấy cuộc sống trở nên thật đáng sợ.

Lần đầu, Derya nhảy xuống sông Tigris nhưng được một người dân địa phương cứu sống. Lần thứ hai, cô thắt cổ nhưng một người cậu phát hiện, thương tình cắt dây. Lần cuối cùng, cô dùng dao bếp chém vào cổ tay song cũng không thể chết được. Thần chết ba lần ngoảnh mặt và Derya nhận ra rằng cô không thể kết liễu cuộc sống của mình như thế. Cô cần phải sống để tiếp tục yêu và đấu tranh cho phụ nữ ở xứ sở này.

Derya trốn đến nhà một người quen, sau đó chuyển tới một nơi ẩn náu bí mật dành cho phụ nữ. Cô phải bán chiếc khăn trùm đầu, vật bất ly thân của phụ nữ Hồi giáo, để lấy tiền mua quần jeans, áo thun trong khi gia đình và dòng họ vẫn còn săn tìm cô. Derya là trường hợp hiếm hoi sống sót sau khi đã nhận bản án tử hình theo một tập tục có tên là "hành quyết để bảo vệ danh dự" (honor killing), hiện vẫn còn phổ biến trong các cộng đồng Hồi giáo bảo thủ.

Buổi truyền hình định mệnh

Phụ nữ luôn là nạn nhân của “honor killing”. Ảnh: Reuters

Birgul Isik là một thiếu nữ hiền lành và cam chịu trong một gia đình Hồi giáo nghèo khổ tại làng Elazig ở miền đông Thổ Nhĩ Kỳ. Số phận run rủi đã đẩy cô vào cuộc hôn nhân với một người đàn ông vũ phu. Dù đã sinh được 5 người con, Isik vẫn thường xuyên bị chồng đánh đập tàn nhẫn. Nguyên do là bởi ông chồng yêu người vợ thứ hai hơn. Nhiều lúc không chịu nổi các trận đòn, Isik đã chạy trốn nhưng chỉ vài ngày sau phải quay trở lại bởi cô không còn chốn nương thân nào khác. Không những đánh đập vợ, ông chồng vũ phu còn buộc lũ con ruồng bỏ mẹ.

Nhà chức trách cũng ngoảnh mặt trước lời kêu cứu của cô. Cuối cùng, chẳng còn cách nào khác, Isik đã lặn lội đến Istanbul để tham gia chương trình Tiếng nói nữ giới trên đài truyền hình quốc gia. Tại đó, cô đã kể về hoàn cảnh đáng thương của mình và kêu gọi nhà chức trách có biện pháp bảo vệ phụ nữ. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, bạo hành trong gia đình là đề tài ít phụ nữ nào dám bàn tán nơi công cộng chứ đừng nói đến việc xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia. Vì thế, hành động của Isik chẳng khác gì một quả bom tấn nổ giữa lòng đất nước.

Khi hình ảnh của Isik được truyền đi khắp Thổ Nhĩ Kỳ, điều đó cũng đồng nghĩa với việc cô đã ký vào bản án tử hình. Ở ngôi làng Elazig, sau khi xem chương trình Tiếng nói nữ giới, nhiều người cho rằng Isik đã đi quá giới hạn. Bản thân cũng biết điều đó, nhưng Isik chẳng còn nơi nào để nương náu. Rời đài truyền hình, cô cùng 4 người con trở về nhà bằng xe buýt. Đứa con thứ năm, thằng bé Ramazan 14 tuổi, đợi mẹ ở trạm xe gần nhà. Khi Isik vừa xuống xe, Ramazan thét lên và lôi trong người ra một khẩu súng. Năm viên đạn lạnh lùng xé gió, cắm phập vào cơ thể người mẹ đau khổ. Isik chết trong bệnh viện sau đó 5 ngày. Bản án tử hình đã được thực thi theo cách tàn nhẫn nhất: đứa con trai vị thành niên cầm súng bắn vào người mẹ đẻ của mình.

Danh dự bằng máu

Bản án tử hình đối với Derya, những viên đạn cắm vào mình Isik... là một phần của tập tục "hành quyết để bảo vệ danh dự" trong thế giới Hồi giáo. Luật lệ này khá phổ biến tại Afghanistan, Pakistan, nơi mà tư tưởng Hồi giáo bảo thủ và cứng rắn vẫn còn ảnh hưởng lớn. Điều đáng ngạc nhiên là tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi luật pháp đã ghi nhận quyền học hành của phụ nữ từ cách đây hơn 60 năm, tập tục tàn bạo đó vẫn còn tồn tại, đặc biệt là tại khu vực miền Đông kém phát triển.

"Gia đình tấn công vào đời tư của tôi, khiến tôi cảm thấy như mình đã mắc phải tội lỗi nặng nề nhất. Tôi cảm thấy mình không có quyền làm tổn hại danh dự gia đình và tôi không có quyền tiếp tục sống nữa. Vì thế, tôi quyết định tôn trọng ý nguyện của gia đình và tìm đến cái chết", Derya giải thích lý do tự tử của mình.

Sau khi thoát chết, Derya phải trốn chui trốn lủi nhưng dù sao cô cũng là người may mắn. Tại làng Batman và khu vực lân cận thuộc vùng Anatolia ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, cứ vài tuần lại có một người phụ nữ tự sát. Nhiều người khác bị ném đá, siết cổ đến chết, bị bắn hoặc thậm chí bị chôn sống vì tội "làm ô uế danh dự gia đình, dòng họ". Trộm nhìn một cậu bé mặc quần đùi, bày tỏ ý muốn đi xem phim, bị một gã lạ mặt hoặc một người bà con cưỡng hiếp, thông dâm..., tất cả đều là tội chết.

Chỉ riêng làng Batman đã có tới 165 trường hợp tự tử trong 6 năm qua, trong đó có 102 phụ nữ. Riêng đầu năm nay, 36 phụ nữ đã tìm đến cái chết trong ngôi làng nhỏ bé này, tất cả đều liên quan đến vấn đề "danh dự". Bà Mehtap Caylan, thành viên của đội chống tự tử làng Batman, kể lại một cái chết đơn giản đến ngỡ ngàng: "Hôm đó, tôi nhận được điện thoại báo rằng có một cô bé 16 tuổi đã tự tử vì gia đình không cho cô mặc quần jeans. Nhưng khi tôi đến, dân làng ở đó cho biết cô bé đã mặc quần jeans từ nhiều năm nay nên đó không phải là nguyên nhân dẫn tới cái chết. Gia đình cô bé kể rằng, sau khi ăn bữa sáng, cô đã vào phòng và chĩa súng vào đầu. Thế là hết!". Rốt cuộc, người ta cũng không thể xác định được những trường hợp như thế này là tự tử hay bị giết nữa.

Một người đàn ông và tấm hình cô con gái 14 tuổi vừa "tự tử vì danh dự". Ảnh: Corbis

Tự tử và đao phủ thiếu nhi

Câu hỏi đặt ra là tại sao gia đình của Derya lại buộc cô tự tử và gia đình của Isik lại sử dụng một bé trai để giết người? Đó là nghi thức truyền thống chăng? Sự thực không phải thế.

Hãy nghe lời giải thích của Yilmaz Akinci, thành viên một tổ chức hỗ trợ nông dân Thổ Nhĩ Kỳ: "Gia đình của những phụ nữ phạm tội chết thường đứng trước hai lựa chọn: buộc con tự tử hoặc chỉ định một cậu con trai làm đao phủ và cậu này phải ngồi tù suốt đời. Để tránh cùng lúc phải mất hai người con, đa số gia đình chọn cách thứ nhất, tức ép con gái tự sát". Trong trường hợp không thể buộc "kẻ mang tội chết" tự tìm đến cái chết, họ sẽ cử sát thủ là một cậu bé vị thành niên để sau đó được hưởng những tình tiết giảm nhẹ.

Thường thì hình thức xử tử là do các thành viên nam trong dòng tộc quyết định thông qua một buổi họp hội đồng. Sau khi nhận thấy người phụ nữ đã có hành động bôi tro trát trấu lên danh dự dòng tộc, họ sẽ thông qua án tử hình vì theo họ đó là cách duy nhất để phục hồi danh dự. Tập tục man rợ này khá phổ biến tại Trung Đông, Nam Á và cũng được các cộng đồng Hồi giáo bảo thủ ở nhiều nước phương Tây ủng hộ. Theo LHQ, mỗi năm có ít nhất 5.000 phụ nữ trên khắp thế giới chết bởi bàn tay của người thân liên quan đến cái gọi là "hành quyết để bảo vệ danh dự".

Đỗ Hùng
(Theo BBC, New York Times)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.