Thư gửi khách đi đám cưới

23/09/2006 23:11 GMT+7

Mùa cưới hằng năm đã bắt đầu. Như thường lệ, mọi người lại toát mồ hôi mỗi khi về nhà nhận được một cánh thiệp hồng. Để trấn an tất cả, mới đây hiệp hội các cô dâu chú rể đã gửi tới toàn thể các nạn nhân lời tuyên bố như sau:

Thưa các bạn

Chúng tôi biết các bạn thường hoảng hốt khi bắt gặp một tờ báo hỷ. Với một số người, nó là lệnh truy nã, với một số người khác, nó là giấy đòi nợ, với một số người khác nữa, nó là lời cảnh tỉnh sâu sắc về những nỗi đau khổ mà chúng ta phải chịu đựng khi tồn tại một cách lay lắt trên thế giới này.

Không đau khổ sao được khi mà tiền điện còn có thể giảm bớt bằng cách cúp điện, tiền điện thoại có thể hạ xuống bằng cách cúp máy, còn tiền học có thể trốn bằng cách cúp cua nhưng tiền đám cưới chẳng thể chạy thoát dù cúp bất cứ cái gì, thậm chí không đi cũng phải gửi quà tới dự.

Trong thời điểm mà đồng lương như miếng mỡ thả vào chảo nước sôi, trong giây phút đầy kịch tính lúc xăng, vàng và tăm xỉa răng đều lên giá, tấm thiệp hồng kia chả khác nào là một nhát dao xuyên vào dạ dày, là một nhát búa đánh vô nồi cơm và một tiếng chuông đánh vào tâm trí vốn đã quay cuồng bởi tiếng còi xe, tiếng vợ con eo xèo và tiếng đập cửa của ông thu tiền đổ rác.

Chúng tôi biết các bạn lê bước tới phòng cưới mà tâm hồn trĩu nặng, khuôn mặt nhăn nhó, trái tim méo mó và túi quần túi áo rỗng không. Chúng tôi cũng biết rằng phần lớn các bạn không quen cô dâu, phần lớn khác không quen chú rể và một bộ phận không nhỏ chả quen cả hai người nhưng vẫn phải đi, vẫn phải cười và vẫn phải rút phong bì ra khỏi túi khi lòng đau như cắt. Thả phong bì vào thùng, dù có căng tai ra, các bạn cũng chẳng hề nghe một tiếng động hồi âm, nó như thả con tép vào mõm con cá voi vậy.

Chúng tôi cũng biết rằng sau đó các bạn bị dẫn độ vào bàn tiệc, ngồi ngơ ngác quanh những khuôn mặt còn ngơ ngác hơn mình, sau đó nghe những lời chúc từ miệng “em xi” tuôn ra như mưa rào và thưởng thức những vần thơ duyên dáng mà cách đây một trăm năm ông nội hoặc bà ngoại đã thưởng thức. Chúng tôi cũng biết phần lớn các món súp măng cua đều quá nhiều bột ngọt và món heo sữa quay là heo từ trần đã được bốn ngày. Chưa kể món bò nấu đậu thì bò đã quá tuổi về hưu.

Nhưng thưa các bạn!

Hãy tin rằng cô dâu chú rể mãi mãi nhớ ơn các bạn. Phút nhớ ơn đầu tiên xảy đến ngay sau đêm tân hôn, khi chúng tôi mở các phong bì, thống kê số tiền và ghi lại danh sách từng người, sau đó ra công chứng sao làm hai bản. Một bản nộp cho cha mẹ, một bản truyền cho con cháu còn bản gốc thì lưu. Nếu có một tấm bia được dựng lên để kỷ niệm ngày cưới, chúng tôi hứa rằng nó sẽ khắc không sót tên một vị khách nào, không phân biệt tuổi tác, quan hệ, trang phục và tiền mừng. Càng không phân biệt là có ngồi đến lúc món tráng miệng bưng ra hay về trước.

Sau đó, lòng biết ơn tiếp theo sẽ kéo dài dai dẳng. Mỗi khi mở album ảnh cưới ra, vợ thì reo lên “Ôi, chị này sao hôm đó béo thế”, còn chồng thì trầm ngâm “Ôi, anh kia sao mà gầy nhỉ?”. Tóm lại, chúng tôi mãi mãi còn theo dõi, còn ngắm nghía và còn kinh ngạc trước các vẻ kỳ quái, vẻ gượng gạo và vẻ lòe loẹt của các bạn.

Cuộc sống sẽ trôi qua. Nhiều món quà mà các bạn mừng đám cưới sẽ hư hỏng, nhiều món khác được đem bán, được để cho bụi phủ hoặc thông thường là được chùi rửa để tiếp tục tham dự các đám cưới khác. Nhưng hãy tin rằng chẳng chi tiết nào được quên đi. Mỗi khi nhận được một tấm thiệp, hai vợ chồng chúng tôi lại lục lọi trong ký ức, đào bới trong hoài niệm và tìm cách trả ơn. Nếu ngày trước đã được tặng dao thì giờ đây chúng tôi tặng thớt. Nếu hôm qua các bạn “đi” hai trăm thì hôm nay chúng tôi đi hai trăm hai chục ngàn hai mươi sáu xu vì tính thêm lãi suất. Không có gì là thiếu công bằng cả.

Vậy các bạn hãy vui lên! Hãy coi đám cưới như một thử thách dễ chịu, một cơ hội để chứng tỏ sức kiên nhẫn, sức lãng mạn và khả năng đầu tư của mình. Trăm năm chỉ có một lần, và nếu số phận của các bạn là phải đi dự thì hãy ngẩng cao đầu!

Lê Hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.