Việt Nam đang đứng trước thềm WTO. Chúng ta có rất nhiều việc phải làm trước khi chính thức gia nhập vào tổ chức này. Trong đó, tôn trọng và thực thi quyền sở hữu trí tuệ là một công việc tất yếu phải thực hiện và thực hiện càng sớm càng tốt. Ủy ban thường trực Quốc hội đã đưa ra các quy định về việc bảo vệ bản quyền từ tháng 12/1994 (gồm 7 chương và 47 điều khoản). Từ đó đến nay, các văn bản luôn được bổ sung, thay đổi và cập nhật để bắt kịp sự phát triển của kỹ thuật và sự thay đổi của xã hội. Năm 2004, với sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng chính phủ Vũ Khoan, hội nghị toàn quốc về thực thi quyền sở hữu trí tuệ đã được tổ chức tại Hà Nội. Như vậy, vấn đề còn lại là thực thi như thế nào và thực thi ra sao để chúng ta vẫn tuân thủ pháp luật và mọi người cùng có lợi.
Đối với ngành công nghiệp truyền thông, bản quyền truyền hình luôn là vấn đề được đề cập nhiều nhất. Nếu như trước đây các nhà cung cấp chương trình nước ngoài có thể “làm ngơ” khi các đài thu những chương trình từ vệ tinh rồi dịch và thuyết minh để phát sóng thì giờ đây, họ đã bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực này. VTV, HTV và các đài truyền hình khác đã phải sử dụng một khoản chi phí khá lớn để mua bản quyền các chương trình phát sóng trên truyền hình, đặc biệt là bản quyền phát sóng trực tiếp các giải bóng đá quốc tế.
Trước đây, vấn đề bản quyền tương đối đơn giản vì chúng ta chỉ có các đài truyền hình mặt đất (terrestrial TV: HTV7, HTV9 là một ví dụ). Ngày nay còn có thêm truyền hình vệ tinh (satellite TV), truyền hình trả tiền (pay TV) bao gồm cả truyền hình cáp (cable TV) và kỹ thuật số (digital TV), truyền hình internet (IP TV). Một chương trình đã mua bản quyền để phát sóng trên truyền hình mặt đất không có nghĩa là chương trình ấy có thể phát sóng trên những mạng truyền hình khác. Các hợp đồng cung cấp bản quyền cho truyền hình mặt đất thường quy định rất rõ ràng rằng chương trình chỉ được phát sóng trên truyền hình mặt đất chứ không được phát trên truyền hình cáp. Vì thế, các đơn vị truyền hình cáp thường phải mua bản quyền riêng để phát sóng chương trình trên hệ thống trả tiền của mình. Do đó, việc sử dụng toàn bộ kênh chương trình của truyền hình mặt đất (kể cả quảng cáo) để phát lại trên hệ thống cáp mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu kênh chương trình là một hành vi xâm phạm bản quyền.
Việc mua bản quyền các kênh chương trình nước ngoài phát sóng trên hệ thống truyền hình cáp cũng là vấn đề nên nói đến. Nhìn chung, thị trường Việt Nam còn quá nhỏ và truyền hình cáp ở Việt Nam cũng chưa có số thuê bao đủ thuyết phục để các nhà cung cấp chương trình nước ngoài quan tâm. Vì thế, việc bán chương trình cho các đơn vị truyền hình cáp (cable operators) cũng “thiên hình vạn trạng”. Những nhà cung cấp chương trình nước ngoài am hiểu về tình hình Việt Nam thường chọn phương thức giao dịch trực tiếp với các đơn vị truyền hình cáp. Một số khác lại chọn cách vừa giao dịch trực tiếp (với các đơn vị lớn), vừa chỉ định một đại lý (với các đơn vị nhỏ). Có nhà cung cấp chương trình nước ngoài chỉ chọn một đại lý và giao toàn bộ quyền thương thuyết và giá cả cho đại lý này. Rào cản ngôn ngữ cũng là một lý do khiến các nhà cung cấp chương trình nước ngoài e ngại vì nhìn chung, khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của các đơn vị Việt Nam còn hạn chế, ít nơi có thể giao dịch trực tiếp và khi đã thỏa thuận cũng không hiểu rõ hết hợp đồng tiếng Anh.
Giá cả mua bán thường không tuân theo một quy định nào hết. Việc thương lượng giá trị bản quyền quả là một nghệ thuật. Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Nhiều nhà cung cấp chương trình nước ngoài sẵn sàng cung cấp kênh chương trình miễn phí cho các đơn vị truyền hình cáp (ví dụ DW, ABC, TV5, NHK, Arirang…). Tuy vậy, việc cho miễn phí này vẫn phải được thể hiện bằng văn bản thông qua hợp đồng. Các nhà cung cấp thường đưa ra mức giá cao đến chóng mặt nhưng sau quá trình thương thuyết, giá tụt xuống đôi khi chỉ còn 1/10 giá ban đầu. Có nhà cung cấp chào giá ban đầu là 700.000 USD cho gói kênh của mình nhưng sau quá trình đàm phán, giá thực ký trên hợp đồng là 150.000 USD. Vì vậy, nghệ thuật nằm ở vai trò của người thương thuyết. Giá cung cấp qua đại lý thường có 2 dạng. Một là nhà cung cấp quản lý giá và trực tiếp ký hợp đồng với người mua, đại lý chỉ hưởng phần trăm. Hai là nhà cung cấp bán đứt kênh chương trình cho đại lý để họ tùy nghi thương lượng.
Hiện nay tại thành phố Hồ Chí Minh có 3 đơn vị có dịch vụ truyền hình trả tiền là HTVC, SCTV và DTH của VTV. Cả 3 đơn vị đều tự mua kênh chương trình nước ngoài. Vì vậy, dẫn đến việc các nhà cung cấp chương trình nước ngoài đội giá, ép giá các đơn vị trong nước. Nếu các đơn vị truyền hình cáp không ngồi lại được cùng nhau để đi đến thống nhất mua bản quyền kênh chương trình nước ngoài một lần và mua chung cho khu vực thành phố Hồ Chí Minh thì các nhà cung cấp chương trình nước ngoài còn có cơ hội hưởng lợi gấp 3 lần. Một kênh chương trình có thể bán được 3 lần cho 3 nhà cung cấp dịch vụ trên cùng một địa bàn! Vụ việc xảy ra giữa HTVC và SCTV đối với 2 kênh thể thao ESPN và Star Sports cũng không nằm ngoài cơ hội đó. Chủ sở hữu ESS của 2 kênh này đã ủy quyền cho Nacencomm ký hợp đồng với HTVC và cũng biết rõ rằng hợp đồng đã được ký nhưng khi có cơ hội bán được cho SCTV với giá hời thì ESS sẵn sàng “hất cẳng” đại lý và đối tác của mình.
Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố lớn với khoảng 8 triệu dân. Tính bình quân mỗi hộ gia đình 5 người có một máy thu hình thì để phục vụ hết 8 triệu dân đó, truyền hình cáp sẽ có 1,6 triệu thuê bao. Nếu ước tính số người lắp đặt truyền hình cáp là 1 triệu thì dịch vụ truyền hình cáp hiện nay chỉ mới phục vụ được khoảng 30% nhu cầu. Như vậy, để tăng thị phần của mình, các đơn vị truyền hình cáp có rất nhiều cách để đạt được mục đích, từ việc nâng cao chất lượng chương trình tự sản xuất đến việc phục vụ khách hàng chu đáo hơn.
Bản quyền truyền hình các kênh nước ngoài chỉ là một phần trong chiến lược phát triển kinh doanh của mỗi đơn vị. Nhưng cái phần ấy có hiệu quả và tiết kiệm không còn tùy thuộc vào sự hợp tác của các bên. Ai cũng hiểu việc chia sẻ bản quyền là việc tất yếu nhưng liệu bản thân mỗi đơn vị có thực sự đồng lòng bắt tay nhau để đem lại một kết quả tốt nhất hay không? Con đường phía trước vẫn còn thênh thang lắm, sân chơi dành cho tất cả mọi người. Ông bà ta đã nói “Trăm người bán, vạn người mua”. Chúng ta cùng chờ đợi một sự hợp tác tốt đẹp và người hưởng lợi cuối cùng không ai khác ngoài các thuê bao của truyền hình cáp - những khách hàng thượng đế.
Trương Kiều Nga
Bình luận (0)