Dù có một số điểm tiến bộ nhưng rất nhiều vấn đề đã được bàn cãi trước đó vẫn tồn tại khiến nhiều DN thất vọng.
Nghị định đã "mở" hơn
Bước đột phá lớn được cả phía cơ quan quản lý và nhà đầu tư hoan nghênh trong NĐ 108 (hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư) là việc phân cấp đầu tư tối đa cho các địa phương. Theo đó, UBND tỉnh thành; Ban quản lý các KCN - KCX được cấp phép cho các dự án nằm trong quy hoạch có mức vốn đầu tư tối đa thay vì chỉ đến mức cao nhất là 15 triệu USD (đối với Hà Nội và TP.HCM); 40 triệu USD (đối với các khu chế xuất - khu công nghiệp) như trước đây. Với những dự án phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ như hàng không, cảng biển, casino... thì Thủ tướng cũng chỉ cần cho chủ trương đồng ý hay không đồng ý mà không phải đi sâu vào từng dự án cụ thể.
Một vấn đề gây tranh cãi lớn trong dự thảo NĐ hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư là việc yêu cầu DN có vốn đầu tư nước ngoài phải đăng ký lại theo luật mới đã được NĐ 101 (hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư) giải quyết khá "mềm dẻo" khi trao quyền tự quyết định cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài trong việc đăng ký lại, chuyển đổi hoặc đăng ký đổi giấy chứng nhận đầu tư. Theo bà Nguyễn Thị Phương Thùy - Đoàn Luật sư TP.HCM, NĐ 101 "mở" cho DN có thể chuyển đổi hình thức DN (công ty TNHH hoặc công ty cổ phần nếu muốn) trong lúc đăng ký lại là điểm rất tiến bộ. Bên cạnh đó, NĐ 101 cũng bổ sung việc đăng ký lại của các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng kinh doanh đã được cấp giấy phép đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư nước ngoài mà trong dự thảo đã "bỏ quên". Ông Cung Sĩ Hoàng, Giám đốc kinh doanh Công ty Norfolk, cho rằng, quy định "DN có vốn đầu tư nước ngoài có thể sử dụng tên riêng bằng tiếng nước ngoài đã đăng ký để cấu thành một phần hoặc toàn bộ tên riêng" và bỏ yêu cầu "giám đốc DN phải có chứng chỉ hành nghề" trong NĐ 88 (hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp) là khá thông thoáng.
Nhà đầu tư băn khoăn
Nhiều nhà đầu tư cho biết họ thất vọng nhất là sự lạc hậu về thủ tục trong các NĐ mới. Nếu như đăng ký mới theo Luật Doanh nghiệp chỉ mất 10 ngày thì đăng ký lại mất tới 15 ngày; chuyển đổi mất 30 ngày. Còn lập hồ sơ dự án đầu tư theo NĐ 108 cũng vẫn gồm 8 bộ, không đơn giản mà còn phức tạp hơn. Nói như một DN có vốn đầu tư nước ngoài tại TP.HCM: "Mục đích của NĐ không phải giúp nhà đầu tư mà giúp nhà quản lý thì đúng hơn". |
Đơn cử Khoản 1 Điều 29 về áp dụng ưu đãi đầu tư của NĐ 108 cho phép nhà đầu tư tiếp tục hưởng những ưu đãi cũ nhưng Khoản 4 của Điều 29 lại đánh đố "trường hợp điều ước quốc tế mà VN là thành viên có quy định khác thì nhà đầu tư phải thực hiện theo điều ước quốc tế đó".
Tương tự trong NĐ 101 cũng còn rất nhiều vấn đề chưa thỏa đáng. Việc quy định "các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh đều có quyền quyết định việc đăng ký đổi giấy chứng nhận đầu tư..." sẽ làm "rối" đối với một công ty có nhiều chủ khi có người muốn đăng ký lại, có người không. NĐ 101 cũng chưa giải quyết được việc đăng ký lại đối với những DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Ở các công ty liên doanh theo quy định tỷ lệ vốn nước ngoài 50%, VN 50%, khi chuyển đổi theo NĐ mới sẽ thành công ty TNHH trong nước, cơ quan chức năng sẽ rất khó quản lý việc các bên trong công ty bảo đảm giữ đúng tỷ lệ sở hữu vốn này. Trong trường hợp thành lập mới, việc này còn khó hơn nữa.
Nguyên Hằng
Bình luận (0)