Bộ phim Chị Tư Hậu đã làm thay đổi hoàn toàn định kiến của nhiều người về nền điện ảnh miền Bắc. Ngày ấy, một số dân miền Nam vẫn cho rằng điện ảnh phía bắc không biết làm phim, và không có được một dàn diễn viên xinh đẹp. Thế rồi Chị Tư Hậu xuất hiện... Tôi còn nhớ, lúc đó có những đội chiếu phim lưu động về tận xã ấp mang theo những cuộn phim nhựa to đùng, nặng trịch như cái bánh xe, và một màn ảnh thật rộng căng giữa nền đất ruộng khô ráo, lung linh một thế giới hấp dẫn, quyến rũ. Bà con trong làng ùn ùn kéo nhau đi coi "chiếu bóng", trong đó có tôi, cô bé 13 tuổi, chạy đến đứt dép, và bứt tàu lá chuối lót chỗ ngồi, mê mẩn đến quên cả trời cả đất. Cái thời khốn khó trăm bề vậy mà dân nghèo tận thôn ấp vẫn có thể hưởng thụ một thú vui "hiện đại và tốn kém" là điện ảnh. Và có lẽ Chị Tư Hậu là "mối tình đầu" của bà con nông dân quê tôi với điện ảnh. Mãi đến bây giờ tôi mới biết, hóa ra, bộ phim này cũng là một trong vài bộ phim đầu tay của Hãng phim truyện Việt Nam, và nghệ sĩ Trà Giang đóng vai chị Tư Hậu cũng thuộc lứa sinh viên đầu tiên của Trường Điện ảnh sân khấu Việt Nam. Bác Hồ ký lệnh thành lập ngành điện ảnh năm 1953 tại chiến khu Việt Bắc, đến năm 1954 tiếp quản thủ đô, năm 1959 thành lập Trường Điện ảnh - Sân khấu, và phim Chung một dòng sông xuất hiện đầu tiên của Hãng phim truyện Việt Nam, năm 1961 Trà Giang đóng phim tốt nghiệp, rồi năm 1962 đóng Chị Tư Hậu. Những mốc thời gian khít khao ấy nói lên rằng hầu như tất cả đều là "mối tình đầu" nên... hồ dễ mấy ai quên!
Cái vốn liếng mà Trà Giang mang vào phim chính là ký ức tuổi thơ nơi vùng chiến tranh ác liệt. "Tôi nhớ những trận càn, những trái bom nổ tung, những gia đình ly tán... Ba tôi hoạt động cách mạng ở Phan Thiết, bọn Tây bắt không được nên tới bắt mẹ tôi. Lúc đó em trai tôi còn ẵm ngửa, tôi và anh hai thì nhỏ xíu, sợ hãi khóc òa lên nhìn theo chiếc xe chở mẹ đi thật xa. Rồi cả ba anh em lại đứng trước cửa nhà dõi theo từng chiếc xe chạy ngang đường, vì người ta hứa sẽ trả mẹ về nên thấy chiếc xe nào cũng tưởng có mẹ mình trong đó. Chính cảm xúc ấy giúp tôi thể hiện lại chị Tư Hậu trong một bối cảnh chiến tranh tương tự". Khi nghe khen nhân vật đẹp quá, Trà Giang cười: "Tôi biết mình nhan sắc cũng bình thường, nhưng nghệ thuật lạ lắm, phải thể hiện được cái đẹp nội tâm, nếu không thì cái đẹp ngoại hình cũng chỉ như búp bê mà thôi". Và chất giọng Quảng Ngãi của chị cũng rất nhẹ nhàng, nên chị đòi được tự lồng tiếng, bởi không ai lồng tiếng hay bằng chính người đã diễn vai ấy. Giọng nói cũng phải "diễn xuất", đó là bài học nghiêm túc của thế hệ chị, được đào tạo trường lớp đàng hoàng. Ngay cả chiếc xe thổ mộ trong phim cũng phải nhờ một bác người miền Nam vẽ kiểu, rồi đóng tại Hà Nội và chở ra Quảng Bình để quay. Đạo diễn tốt nghiệp ở Paris, nên bên cạnh ông có cả một đội ngũ phó đạo diễn và trợ lý người Nam Bộ làm "tư vấn" hùng hậu. Bộ phim quay cả năm trời mới xong, kỹ lưỡng từng chút một.
Bây giờ "chị Tư Hậu" đang làm họa sĩ vẽ những bức tranh cũng đằm thắm như tính cách ngày nào. Chị cười: "Bạn bè rủ đi đóng những vai nhỏ nhỏ cho đỡ nhớ nghề. Ừ, chắc là đi!". Nhìn dáng vẻ còn thanh gọn của chị, dù tuổi đã 60, vẫn thấy tiếc nếu chị xa rời điện ảnh...
H.K
Bình luận (0)