Kỳ lạ phố cổ Hội An

04/10/2006 12:45 GMT+7

Cho đến nay, người dân phố cổ Hội An vẫn còn chưa hết bàng hoàng vì cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Theo thống kê, có ít nhất 16 ngôi nhà cổ đã bị hư hại, nhưng điều lạ là không có ngôi nhà nào bị sập.

Điều gì đã khiến những ngôi nhà cổ chống chọi lại được cơn bão số 6 khủng khiếp…

Trên khắp các con đường phố cổ, nhìn đâu cũng thấy rác, lá cây vun thành đống. Đèn đường bị cắt. Nhiều nơi chưa có điện, đứt liên lạc điện thoại, ngay cả mạng di động cũng chập chờn. Nhiều đường phố bị bóc tung nhựa.

Hôm trước bão vào một ngày, Bí thư thị xã Nguyễn Sự nói nhỏ: “Hắn mà vào là bi kịch đấy”. Chỗ anh muốn nhấn chính là phố cổ. 47 ngôi nhà trong tình trạng có thể sập bất cứ lúc nào. Nỗi lo lắng ấy treo lơ lửng với người dân phố cổ. 

Phố cổ vững chãi nhờ… phong thủy?

Thông tin tôi nắm được là sau trận bão số 6 kinh hoàng, đâu chừng chưa đến 20 nhà trong phố cổ bị tốc mái, sụt mái. Một số ngôi đình, hội quán cũng bị sụt mái, đổ cổng tam quan. Không nhà nào sụp.

Giải thích chuyện lạ đời này, ngoài nguyên nhân là quyết tâm từ chính quyền và người dân trên, một đồng nghiệp người Hội An nói: Nhà cổ Hội An, trừ một số nhà do xuống cấp quá nặng, không trùng tu, có xảy ra đổ sụp, còn lại, mấy trăm năm qua, bão chưa từng làm sập. Người xưa làm nhà đã tính kỹ càng phong thủy, nhà thấp, ken sát, nên gió vào chỉ nghe tiếng rít trên đường phố.

Người ta quan tâm là đúng, bởi đó là cánh cửa tâm hồn của Hội An. Thế mà sau bão ngôi nhà thờ tộc Lý ở 84 Trần Phú vẫn thế. Đây là chỗ mà hôm đi thị sát tình hình, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã vào thăm.

Ngôi nhà này là di tích được xếp hạng đặc biệt, có tuổi hơn 350 năm, đã xuống cấp trầm trọng. Nhà tối om. Trần nhà được che kín bởi các tấm bạt. “Không che răng được, mưa gió kiểu nớ mà chịu chi nổi, bình thường đã dột nát rồi. Thế mà nay không bị hề hấn chi cả” - Chị Lý Thị Hoa, chủ ngôi nhà, cười bồng con đón tôi từ cửa.

Mái trước bị dỡ đi vài hàng ngói. Phía trên trái của mái sau ngôi nhà bị võng xuống rộng bằng chiếc bàn học trò, sền sệt nước dưới nền nhà. Cột kèo đã bao năm chưa từng được trùng tu thay thế, hiển nhiên không còn trụ vững. Thế mà chúng không bị bão quật đổ.

Phải giữ đến cùng nhà cổ. Đó là lời ông Sự và quyết tâm của người phố cổ. Trước khi bão ập vào, lệnh từ chính quyền: Phải chèn chống, bằng mọi giá, giữ cho được, đặc biệt là với những ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Sự nói: “Có hai điều lo nhất đã đi qua là không ai chết và nhà cổ không bị sụp. Còn tốc mái là chuyện đương nhiên”.

Tôi lội nước xuống ngôi nhà đầu phố Nguyễn Thái  Học. Nhà khá đẹp, cao lớn. Chủ nhà là ông Minh A dắt ngay tôi lên gác. Chỗ gian trước làm bằng gỗ đen  nhánh, hoa văn lồng lộng bị toác một miếng như cánh cửa sổ. “Gió nó lồng vào đây, thổi bay cả ti vi tủ lạnh. Nhà này (cũng là nhà cổ được xếp hạng) ở ngay đầu ngã ba Trần Quý Cáp - Nguyễn Thái Học, có cây đa to lớn đã trăm tuổi đứng canh đường, chừng 8 giờ sáng ngày 1/10, nó bật gốc, bao nhiêu lá cành tích góp chừng ấy năm quật  xuống.

Mà đâu phải mình nó. Nó ngã kéo theo cây trụ điện bê tông chằng chịt dây dợ cạnh tường nhà. Tôi tưởng tượng một cú va đập dữ dội trong gió gào. Thế mà kỳ lạ, lại không hề gì, chỉ bể vài ba miếng ngói”. Ông chủ chỉ kiến nghị: “Mau dời giùm cây trụ điện để tôi sửa nhà”.

Được biết, hôm qua 3/10, khu du lịch 5 sao Palm Garden Resort (đô thị cổ Hội An) đã đón đoàn du khách Tây Ban Nha gồm 150 người đến lưu trú trong thời gian 3 ngày. Đây là đoàn du khách có số lượng đông đến thăm Hội An ngay sau cơn bão Xangsane đổ bộ vào miền Trung chỉ 2 ngày.

Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.