Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng có mặt tại miền Trung từ khi có tin cơn bão dữ dự báo sẽ trực chỉ vào đây. Đại bản doanh của Ban PCBL và TKCN Trung ương đặt tại Đà Nẵng nhưng đi về như con thoi giữa Quảng Nam và Thừa Thiên Huế. Có thể nói, đây đúng là bộ chỉ huy tiền phương của một trận đánh lớn, trận đánh như thể ngày xưa hồng quân Liên Xô bảo vệ Stalingrat. Trận đánh mà nếu thất bại thì chúng ta có thể mất cả vị trí chiến lược của mình. Nói như vậy có người cho là hơi quá, nhưng về một khía cạnh nào đó thì nó không ngoa, chúng ta đã từng mất đến 200 ngư dân trong cơn bão Chanchu mới đây, khiến 200 gia đình lâm vào cảnh đơn côi, bởi những người mất đi đều là những lao động chính. “Vị trí chiến lược”ở đây chính là lòng tin của con người. Sẽ ra sao nếu con voi dữ Xangsane cũng cướp đi từng ấy sinh mạng; và nếu thế thì trong một năm chúng ta có đến hai cái đại tang (mà trùng tang thì xui xẻo lắm!).
|
Nếu ai trực tiếp chứng kiến cơn bão hẳn biết mức độ kinh hoàng của nó là ngoài sức tưởng tượng của con người. Sức hủy diệt của con voi là vô cùng dữ dội, nên thiệt hại về vật chất là rất lớn (lên đến 10.000 tỷ đồng) nhưng là điều khó tránh khỏi. Tổn thất về người, xét về một góc độ nào đó cũng không thể tránh khỏi. Một người ngã xuống cống, người khác bị nhà bên cạnh sập đè lên, người nữa đi trên đường Trường Sơn thì bị sạt lở.. Những trường hợp đó thật khó kiểm soát nổi cho dù ông lãnh đạo có ba đầu sáu tay.
Điều còn lại đáng nói là ở chỗ ý thức của công dân. Làm sao lãnh đạo có thể biết và dặn dò một phụ nữ bồng con đừng để tuột nó xuống dưới nước? Vì thế, Chính phủ có quyết liệt bao nhiêu, chính quyền địa phương có sâu sát bao nhiêu cũng không bằng ý thức của mọi người “phải tự cứu mình trước khi trời cứu”.
Lại nói về ý thức của mỗi người, trước bão, không ít người phàn nàn về chuyện “chưa gì đã bắt người ta di tản, lỡ không có bão mà đồ đạc người ta mất hết thì sao?”; sau bão, cũng chính những người này (một người dân ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng) lại nói lời xin lỗi: “Nếu không có mấy anh, chắc cả gia đình đều “đi buôn muối” rồi! Đội ơn các anh đã giữ lại mạng sống của cả gia đình tôi!”...
***
“Trận đánh” với voi dữ mà Bộ chỉ huy tiền phương đóng tại Đà Nẵng dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tư lệnh Nguyễn Sinh Hùng đã giành thắng lợi. Nếu rút ra bài học, thì trước hết, là bài học về dự báo chính xác (của khí tượng thủy văn), lần này có vẻ như họ đã biết nghe, cũng đơn giản thôi, là nhận thông tin từ nhiều nguồn của khí tượng thủy văn thế giới để tổng hợp, phân tích và đưa ra nhận định đúng. Dự báo chính xác, trong khoa học quân sự thường có câu “biết địch biết ta trăm trận trăm thắng”, lần này ta đã biết địch biết ta, vì thế, cho dù địch là con voi dữ, ta cũng đã thắng, cho dù ta cũng bị thương tích đầy mình. Mà anh hùng trận mạc thì ai không thế!
Bài học thứ hai, đó chính là tính kiên quyết. Mỗi khi biết rằng, phải “đánh” theo phương án này mới thắng thì tập trung lực lượng tinh nhuệ mà “đánh” bằng được. Phương án đó là phương án “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, tức là có voi dữ thì mình cứ tránh đi là hơn. Việc “tránh voi” chính là quyết định tiến hành một cuộc di dân lớn chưa từng có. Cuộc di dân có thời hạn rõ ràng, vừa mềm mỏng vận động, thuyết phục, vừa kiên quyết cưỡng chế. Tức là, làm tất cả những gì có thể để “tránh voi”. Voi dữ vào nhà ta không thấy ta, tất nhiên nó hung hãn phá nhà, phá vườn. Nhưng như ông bà ta có câu “người còn, của còn”, “người làm ra của chứ của không làm ra người”. Vậy thì mục đích của ta đã đạt được, tức là voi dữ đã thua!
***
Con voi dữ đã đi nhưng chúng ta biết chắc thế nào cũng có một “con voi” khác đến. Và vì thế, trận đánh này chưa phải là trận cuối cùng. Trong thuật ngữ quân sự cũng có câu “không chủ quan khinh địch”, lại có câu “không ngủ quên trên chiến thắng”, nếu biết vận dụng thì chúng ta không sợ bất kỳ trận đấu nào, với ai.
Tiếp sau Xangsane là “trận chiến”với Babica.
Nguyễn Thế Thịnh
Bình luận (0)