Chương trình SGK quá tải đối với học sinh phổ thông

08/10/2006 23:43 GMT+7

Ngày 7/10, ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch UBND và ông Nguyễn Thành Tài - Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã có buổi họp mặt với hơn 100 hiệu trưởng các trường THPT, trưởng phòng giáo dục 24 quận, huyện.

Đây là công tác "dọn đường" trước khi đưa ra chương trình hành động chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác GD-ĐT ở TP.HCM.

Mở đầu buổi gặp gỡ, tiến sĩ Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết:  Năm học 2006-2007 thành phố  đã xây dựng thêm 595 phòng học và đưa vào hoạt động Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú) nhằm đáp ứng nhu cầu về chỗ học cho học sinh... Ngoài ra, trước những vụ việc tiêu cực của các trường ở các trường THPT Lê Quý Đôn, Hồng Bàng, Gò Vấp..., Sở đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng giải quyết rốt ráo để ổn định năm học mới và lấy lại niềm tin của phụ huynh học sinh. Tiến sĩ Huỳnh Công Minh vừa dứt lời thì bà Hoàng Thị Hồng Hải, Trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Phú bức xúc: "Với ngành GD nói chung và thầy cô giáo nói riêng, điều quan trọng là được phụ huynh, học sinh đặt niềm tin nơi mình. Khi niềm tin ấy mất đi thì chúng ta có dạy hàng trăm, hàng nghìn bài đạo đức, giáo dục công dân cũng trở thành vô nghĩa. Trong thời gian vừa qua, ngành chúng ta phát hiện được nhiều tiêu cực khiến cho đội ngũ người thầy có tâm lý chán nản. Ngay như tôi cũng muốn về hưu sớm".

Bà Hải nói thêm: "Với xuất phát điểm là giáo viên, phải dạy giỏi để phấn đấu trở thành hiệu trưởng. Khi trở thành hiệu trưởng thì phải am hiểu về tài chính, xây dựng, thanh tra và chịu trách nhiệm ở tất cả các mặt hoạt động... Chính vì thế, người quản lý cần được rèn luyện và tu dưỡng thường xuyên về quan điểm nhận thức". Bà Hải kiến nghị: "Chúng tôi rất mong lãnh đạo TP quan tâm và có kế hoạch giúp giáo viên chúng tôi tu dưỡng, rèn luyện để được đảm bảo công việc...".

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận kiến nghị về mức lương của giáo viên và phụ cấp trách nhiệm hiện nay còn thấp so với những thu nhập các ngành khác. Trong khi đó, theo nhận định của ông Nguyễn Tấn Lộc, Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương thì học phí thu theo khung quy định từ cách đây hơn 5 năm là quá lạc hậu, hiệu trưởng phải co kéo các khoản chi để hòng đảm bảo thu nhập cho giáo viên.

Đề cập đến chương trình SGK, đa số cán bộ quản lý giáo dục đều cho rằng nội dung hay nhưng lại quá tải đối với học sinh phổ thông vì người biên soạn sách đều là giảng viên, giáo sư bậc ĐH và lại không hề ráp nối được với người phân bố chương trình. Thực tế đó đã dẫn đến hiện tượng người soạn cho bài đó 5 tiết nhưng người phân bổ chương trình lại cho 3 tiết. Bà Dương Thị Trúc Bạch, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đặt vấn đề: "Chúng ta kêu gọi thực học, thực dạy nhưng với thời lượng không đủ thì làm sao đảm bảo cho học sinh tiếp thu đủ kiến thức. Nhưng dạy thêm và tăng tiết đều sai quy định, vậy chúng tôi phải dạy như thế nào?"...

Trước những bức xúc của các cán bộ quản lý phòng giáo dục và các trường THPT, ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ: "Ở các nước, hiệu trưởng chỉ quan tâm đến chất lượng giáo dục sao cho tốt chứ không phải lo lắng đến đời sống, thu nhập của giáo viên. Mà giáo viên không thể chỉ sống với lý tưởng, do vậy chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn nữa để thầy cô yên tâm với sự nghiệp". Ông Tài chỉ đạo: "Sở GD-ĐT tập hợp tất cả những ý kiến về học phí, thu nhập giáo viên, chương trình, dạy thêm, tăng tiết... trình văn bản lên cấp trên. Vấn đề nào thuộc quyền của UBND sẽ giải quyết ngay, nếu thuộc các cấp lãnh đạo khác thì chúng ta dùng lý lẽ thuyết phục".

B.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.