Gặp tôi, ông Bob Bauer - Chủ tịch AFI vui vẻ nói: "Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ và thú vị được các bạn VN tham dự đông đảo và đầy đủ các thành viên chủ chốt của Hiệp hội cây điều VN". Chuyến đi này cũng là dịp để các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm cơ hội xúc tiến thương mại, và Mỹ là một thị trường nhập khẩu lớn hạt điều của VN.
Tham dự hội nghị lần này có mặt hầu hết các đại gia ngành điều ở Mỹ và đề tài hạt điều VN được hội nghị nhấn mạnh như một chủ đề quan trọng. Một số khách hàng quốc tế lớn còn cho rằng chất lượng hạt điều VN có thể đứng hàng đầu thế giới và nếu giá thu mua các nước bằng nhau thì họ vẫn ưu tiên mua hàng của VN. Cần phải nhắc lại rằng, ngành điều cả nước đã có một "bước nhảy thần kỳ" khi sản lượng chỉ vài trăm tấn năm 1980 đã tăng vọt lên 350.000 tấn năm 2005, đứng đầu thế giới về sản lượng, đứng thứ 2 thế giới về chế biến (chỉ sau Ấn Độ). Chỉ riêng thị trường Mỹ kể từ 20 năm qua, hạt điều VN thâm nhập thị trường Mỹ bước đầu chỉ vài container mỗi năm, đến năm 1996, lượng hàng xuất khẩu ngày một tăng dần và năm nay dự kiến đạt trên 40.000 tấn (trên 40% sản lượng điều VN).
Đại diện Công ty Planter (Kraff food), hằng năm nhập trên 1.000 container hạt điều VN phát biểu rất tin tưởng vào hạt điều VN và hy vọng ngành điều VN tiếp tục phát triển tốt trong tương lai. Tuy nhiên, khách hàng này cũng đề nghị các nhà xuất khẩu điều VN quan tâm hơn đến vấn đề tạp chất. Mặc dù tỷ lệ tạp chất có trong sản phẩm nhân điều VN thấp hơn nhiều so với các nước khác nhưng gần đây đã phát hiện ra mảnh kim loại, các vụn sạn và cả tóc. Có dịp sang VN nhiều lần, đại diện Tập đoàn JF Brawn (mỗi năm nhập xấp xỉ 1.000 container hạt điều từ VN) lại quan tâm đến vấn đề sâu bệnh trên hạt, các chấm sâu làm hạt điều xấu và giảm chất lượng hàng rất nhiều. AFI cũng khuyến cáo các nhà sản xuất ở VN nên sử dụng biện pháp bảo quản bằng khí CO2 thay vì Nitơ như hiện nay.
Một vấn đề khác cũng được các nhà nhập khẩu lưu ý là VN nhập nguyên liệu từ nhiều nguồn và cách chế biến khác nhau, do đó mùi vị, màu sắc không đồng nhất. Cuối hội nghị, đại diện các nhà nhập khẩu hạt điều Mỹ và Hiệp hội cây điều VN đã cam kết thực hiện một số điều, trong đó phía Mỹ đề nghị VN phải tuyên truyền nhiều hơn cho cây điều vì những lợi ích cho sức khỏe mà hạt điều đem lại. Sản phẩm hạt điều cũng phải ngày càng "sạch" hơn, không dùng các hóa chất diệt côn trùng và nếu tỷ lệ chất độc cao trên mức cho phép thì lô hàng sẽ bị trả về...
Những gì diễn ra tại hội nghị đã cho thấy vị thế hạt điều VN được khẳng định trên thế giới và mở ra những hướng mới cho doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, điều nghịch lý là các doanh nghiệp trong nước lại đang đối mặt với nợ nần. Liên tiếp 2 năm nay, ngành điều VN bị lỗ nặng (do giá điều trên thị trường biến động mạnh). Năm 2005, toàn ngành lỗ trên 100 tỉ đồng, nhiều doanh nghiệp phải tuyên bố phá sản. Năm 2006 cũng ước tính lỗ khoảng 200-300 tỉ đồng và viễn cảnh có thêm nhiều nhà máy giải tán là điều không thể tránh khỏi. Để vươn lên tầm cao mới, trước hết, các doanh nghiệp phải vượt qua cơn khó khăn này.
Nguyễn Văn Lãng (Từ New York, Mỹ)
Bình luận (0)