Niềm tin giúp con người tìm được sự bình yên, hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thế nhưng sự thái quá cũng đã và đang làm khổ một số gia đình.
Câu chuyện thứ nhất
Chi H. là người Hà Nội gốc. Từ nhỏ chị vẫn thường theo mẹ đi chùa. Bây giờ tuổi đã xấp xỉ đến kỳ nghỉ hưu, chị vẫn giữ cho mình thói quen siêng năng đi lễ chùa. Cứ sáng mồng một Tết phải đi thắp nhang cho đủ 10 chùa chị mới yên tâm. Có lần, vào dịp tết, tôi tham gia "ngày hội" đi chùa của gia đình chị.
Sáng mồng một, đường TP Hồ Chí Minh vắng vẻ, chúng tôi rong ruổi xe máy thật thoải mái, thế nhưng vào các chùa trong thành phố thì hoàn toàn không có khái niệm đi vãn cảnh chùa. Khói nhang nghi ngút, nhiều chùa đông đến nỗi đi đâu cũng thấy lưng người xì xụp khấn vái. Chị bạn tôi tất tả ngược xuôi để thắp nhang và xin sớ cầu an. Cứ vậy mà đi từ chùa này qua chùa khác. Mỗi xe máy gửi mất 5.000 đồng, nhiều khi gửi xe xong vào đến cửa chùa chúng tôi còn thấy mệt hơn, vì đập vào mắt là cảnh chen lấn thắp nhang, rồi mùi mồ hôi lẫn mùi nhang nồng đến ngạt thở. Có những cây nhang vừa thắp lên đã bị người nhà chùa rút ra nhúng vào chậu nuớc. Chị H. mồ hôi chảy dài trên mặt trông đến khổ. Mười một, mười hai giờ trưa chúng tôi vẫn rong ruổi trên đường nhựa nắng bỏng rát. Đến chùa cuối cùng không có điểm giữ xe, chồng chị H. phải đứng trông xe dưới trời nắng như đổ lửa. Thật tình tôi cứ cảm thấy ái ngại cho chồng và con gái của chị bạn tôi.
Câu chuyện thứ hai
Anh T. đang lúc ăn nên làm ra. Tình cờ một người bạn rủ đi lễ đền. Ông thầy nhìn anh rồi phán: anh đang làm ăn có lộc đấy nhưng bàn thờ nhà anh chưa ổn, phải sửa sang lại thì lộc mới vào nhiều hơn. Nghe sướng tai, anh T. rước ngay thầy về nhà. Bàn thờ nhà anh xưa nay vẫn thờ cả bên nội lẫn bên ngoại. Ông thầy phán ngay một câu: "Vậy là không ổn, bàn thờ nhà anh lạnh lắm. Có cúng nhưng không có ai ngồi trên đó cả! Các cụ không muốn ngồi chung với nhau" (cũng lạ thật! Khi sống, các cụ hai bên luôn thương kính nhường nhau, tại sao về thế giới bên kia bỗng dưng lại làm khó nhau đến thế!?). Gợi ý của thầy là phải sắp xếp bàn thờ lại bằng cách đưa ảnh thờ của bố mẹ vợ xuống, chỉ để thờ bố mẹ của đằng nhà chồng thôi. Thế lộc nó mới vào nhiều. Người chồng mặt mũi rạng rỡ răm rắp tuân theo sự chỉ dẫn của thầy. Chỉ tội người vợ cứ ấm ức tức tối. Chị cự chồng: "Anh có bố mẹ, tôi cũng có bố mẹ của tôi. Nhà là do hai vợ chồng cùng tạo dựng. Tại sao tôi không có chỗ để thắp nhang cho người đã sinh đẻ ra tôi?". Và thế rồi thời gian sau lộc ở đâu chưa thấy vào nhiều như mong muốn nhưng hai vợ chồng lại có một khoảng thời gian dài sống ly thân.
Câu chuyện thứ ba
Anh M. vốn là một kỹ sư có năng lực. Trong quá trình công tác anh luôn được đồng nghiệp đánh giá cao vì anh hoàn thành tốt công việc và luôn có những sáng tạo được ghi nhận. Bản tính anh hiền lành vui vẻ. Thế nhưng đường thăng quan tiến chức của anh lại không được suôn sẻ. Thế rồi không hiểu sao có người bảo anh là bị... ma ám. Người thân của anh nghe đâu có thầy giỏi đều chịu khó đưa anh đi để "giải tà". Vợ anh cũng chăm chỉ đi lễ đền, cúng bái cầu mong chồng tai qua nạn khỏi, đường công danh không gặp trắc trở. Cũng chưa thấy linh nghiệm đến đâu, nhưng đợt vừa qua gặp tôi, anh thổ lộ: "Mệt mỏi mà lại tốn kém nữa. Nhà thì ít người mà mỗi lần cúng thì nấu nướng nhiều quá, lãng phí. Gia đình tôi cứ tin vào những điều mà mình cũng không biết chắc là có hay không?". Tôi đã kể lại cho chị vợ của anh nghe và hình như chị cũng đã cảm thấy thấm về câu nói của chồng.
Trần Diệu Hiền
Bình luận (0)