Số liệu của FBI cho thấy, tính luôn những người chỉ biết một ít từ ngữ Ả Rập và kể cả những người đạt điểm 0 trong một cuộc kiểm tra ngôn ngữ tiêu chuẩn, chỉ 1% trong số 12.000 nhân viên của FBI có sự hiểu biết nào đó về tiếng Ả Rập. Điều này phản ánh sự khó khăn của FBI trong việc thu hút những nhân viên nói tiếng Ả Rập, Urdu, Farsi và các ngôn ngữ khác của vùng Trung Đông và Nam Á - trọng tâm chú ý của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.
"Vấn đề nghiêm trọng"
Mới đây, M.Heimbach, một quan chức của FBI, thừa nhận rằng hai bộ phận phụ trách các chiến dịch chống khủng bố quốc tế (ITOS) của cơ quan này không bắt buộc các nhân viên phải biết tiếng Ả Rập dù ITOS được giao trách nhiệm phối hợp các cuộc điều tra. Chỉ 4 nhân viên ITOS biết tiếng Ả Rập, nhưng không ai trong số này có trình độ trên sơ cấp.
Các quan chức FBI nói rằng các nhân viên làm việc trong ITOS không cần thiết phải biết tiếng Ả Rập hay các ngoại ngữ khác do họ dựa chủ yếu vào các tài liệu hay những cuộc phỏng vấn được các chuyên gia ngôn ngữ của FBI dịch sẵn. Đối với những nhân viên "hành sự" bên ngoài văn phòng ở Mỹ hay ở nước ngoài, các quan chức FBI nói rằng đã có sẵn đội ngũ biên, phiên dịch phòng khi các nhà điều tra cần đến. Theo M.Gulotta, một quan chức khác của FBI, số người thạo tiếng Ả Rập đã tăng từ 70 người hồi tháng 9.2001 lên 269 người vào tháng 7.2006, tức tăng 300%, trong khi số chuyên gia ngôn ngữ nói chung tăng gần gấp đôi.
Tuy nhiên, D.Byman, giááo sư thuộc Đại học Georgetown phụ trách Chương trình nghiên cứu an ninh của trường, cho rằng thất bại của FBI trong việc thu hút các nhân viên nói tiếng Ả Rập là "một vấn đề nghiêm trọng" gây tổn hại đến quan hệ giữa FBI với các cộng đồng nhập cư và khiến việc thu thập thông tin tình báo về các nhóm cực đoan càng khó khăn hơn. Gulotta và các quan chức khác cho rằng một số yếu tố hạn chế số người biết nói tiếng nước ngoài trở thành nhân viên của FBI. Chẳng hạn, các nhân viên đặc biệt phải là công dân Mỹ. Họ cũng phải trải qua các cuộc kiểm tra lý lịch mà sẽ rất khó khăn để vượt qua nếu ứng viên có người thân hay bạn bè ở nước ngoài. Cách đây 3 năm, B.Youssef, một đặc vụ FBI người Mỹ gốc Ai Cập đã phát đơn kiện cơ quan này phân biệt chủng tộc vì đã loại ông khỏi các cuộc điều tra sự kiện ngày 11.9.2001 và từ chối thăng chức cho ông vì lý do chủng tộc, đã đặt câu hỏi rằng liệu FBI có thể chiến thắng trong cuộc chiến chống khủng bố khi các đặc vụ không thẩm định được tính chính xác của các tài liệu được dịch và phải dựa vào các nhà ngôn ngữ học để biết thông tin.
"Ngôn ngữ an ninh quốc gia"
Gulotta và các chuyên gia khác lưu ý rằng FBI không "đơn độc" trong cuộc chiến tìm người có năng lực tiếng Ả Rập hay các ngoại ngữ khác. CIA và các cơ quan kháác cũng gặp phải khó khăn tương tự khi Chính phủ Mỹ đang phải cạnh tranh quyết liệt với khu vực tư nhân trong việc thu hút nhân tài thạo tiếng Ả Rập. Một nghiên cứu được công bố đầu tháng này cho thấy 3 kẻ khủng bố bị giam giữ tại một nhà tù liên bang ở Colorado có thể gửi hơn 90 lá thư cho các "đồng nghiệp" ở nước ngoài, một phần do nhà tù không có đủ người phiên dịch để biết điều gì đang xảy ra.
Đầu năm nay, Chính phủ Mỹ đã công bố "Sáng kiến ngôn ngữ an ninh quốc gia" nhằm khuyến khích việc tăng cường giảng dạy các ngôn ngữ quan trọng ở các trường tiểu học, trung học và đại học. Việc thiếu những chương trình như thế làm tổn hại "an ninh quốc gia, ngoại giao, thực thi luật pháp và giới tình báo". S.Ackley, Giám đốc truyền thông thuộc Hội đồng Giảng dạy ngoại ngữ Mỹ ở bang Virginia, cho rằng FBI và các cơ quan khác đang đối diện với một thách thức nghiêm trọng khác nữa khi mà việc giảng dạy ngoại ngữ bị đánh giá thấp ở các trường học Mỹ. "Chừng nào dư luận Mỹ thấy rằng đây là lĩnh vực chính phủ nói chung và các cơ quan như FBI và CIA nói riêng phải đầu tư vào, chừng đó tình hình mới cải thiện", ông nói. (MSNBC, Washington Post)
K.H
Bình luận (0)